Ngành mía đường Việt Nam chống “bão ATIGA” bằng cách nào? "Tấm khiên" bảo vệ ngành mía đường Ngành mía đường nội địa được tiêu thụ và cải thiện giá bán |
Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị dừng đấu giá "đường lậu"
Theo phản ánh của Hiệp hội mía đường Việt Nam, thời gian qua ngành mía đường Việt Nam đang phải đối phó với vấn nạn đường nhập lậu phức tạp, làm cho các nhà máy sản xuất đường nội địa khó bán, không cạnh tranh được với đường nhập lậu về giá. Đặc biệt là hoạt động bán đấu giá đường nhập lậu bị tịch thu...
Trước thực trạng trên, ngày 26/8/2024, Hiệp hội mía đường Việt Nam có công văn số 84/CV- HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng hoạt động bán đấu giá hàng nhập lậu tịch thu là mía đường.
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng các cơ quan chức năng khi tịch thu tang vật vi phạm là lô đường nhập lậu và xử lý theo hình thức bán đấu giá hoặc bán chỉ định là không phù hợp với quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (do đường tịch thu bán đấu giá đều không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ); việc cơ quan chức năng xuất hóa đơn bán hàng không phải là hóa đơn điện tử đối với đường nhập lậu, không có thông tin cụ thể, hàng tịch thu bán đấu giá không có nhãn phụ tạo sơ hở lớn để các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép đường quay vòng hóa đơn, đối phó với các cơ quan chức năng khi kiểm tra...
Do vậy, Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan chức năng dừng hoạt động bán đấu giá đường nhập lậu, xử lý theo phương án chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy, kiểm tra việc bán đường nhập lậu bị tịch thu của các đối tượng tham gia đấu giá vì các đối tượng này đều là đối tượng buôn lậu đường.
![]() |
Hiệp hội mía đường Việt Nam có công văn số 84/CV- HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng hoạt động bán đấu giá hàng nhập lậu tịch thu là mía đường. (Ảnh minh họa) |
Ngày 25/9/2024 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6854/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội mía đường Việt Nam.
Bộ Tài chính nêu ý kiến
Ngày 3/1/2025, Bộ Tài chính có Công Văn số 77/BTC-TCHQ gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình báo cáo nội dung trên.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính nêu ý kiến: Căn cứ Điều 109 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tiêu hủy đối với tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...
Do vậy, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng việc xử lý đường nhập lậu theo hình thức bán đấu giá, bán chỉ định mâu thuẫn, không phù hợp với pháp luật về an toàn thực phẩm và kiến nghị dừng hoạt động bán đấu giá đường nhập lậu để xử lý theo hình thức chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy là không có căn cứ, cơ sở pháp lý.
Về thông tin Hiệp hội mía đường phản ánh việc tổ chức bán đường nhập lậu tịch thu không ghi nhãn phụ, không xuất hóa đơn điện tử, xuất hóa đơn giấy ghi hàng hóa chung chung “đường kính trắng do Thái Lan sản xuất" mà không ghi cụ thể thông tin về lô hàng bản đấu giá có thể tạo sự hở lớn giúp các đối tượng buôn lậu có thể quay vòng, nhân bản lên nhiều lần để đưa đường nhập lậu vào Việt Nam...
Bộ Tài Chính nêu ý kiến, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 7, Điều 8 Nghị định số 43/2017/ND-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1, Điều 2 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ) thì hàng hóa trước khi lưu thông trong nước phải thực hiện ghi nhãn phụ đảm bảo các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ) thì hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ.
Căn cứ mẫu số 08/TSC-HĐ - Hóa đơn bán tài sản công ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ ngoài các thông tin bắt buộc ghi trên hóa đơn (tên tài sản, đơn vị tính, đơn giá, tài sản) còn có bảng kê chi tiết kèm theo hóa đơn. Nội dung bảng kê do đơn vị được giao xử lý tài sản tự thiết kế phù hợp với đặc điểm của các loại tài sản, kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại tài sản.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể các thông tin bắt buộc ghi trên hóa đơn và bảng kê tài sản đi kèm hóa đơn để đảm bảo phản ánh đúng thông tin tài sản là tang vật, vật chứng bị tịch thu xác lập quyền sở hữu toàn dân khi bán đấu giá, đưa vào lưu thông, kinh doanh.
Từ thực trạng nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số nội dung: Chỉ đạo các Bộ (Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các quy định về xử lý tài sản tịch thu xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với mặt hàng đường theo đúng quy định pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật an toàn thực phẩm…
Văn Phòng Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo kiến nghị của Bộ Tài Chính
Sau khi nhận được văn bản báo cáo của Bộ Tài Chính, ngày 6/2/2025 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 885/VPCP-V.I gửi một Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ….
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình như sau: Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và kiến nghị tại Văn bản số 77/BTC-TCHQ ngày 3/1/2025, có Văn bản trả lời Hiệp hội mía đường Việt Nam. Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền thực hiện các kiến nghị của Bộ Tài chính.
Trong Công Văn số 77/BTC-TCHQ, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể việc ghi nhãn với hàng hóa bị tịch thu, bán đấu giá… |