Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt gần 108.000 tỷ đồng
Ngày 3/2, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, thương mại và dịch vụ tháng 1/2025 trên địa bàn Thành phố tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do đây thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm trước tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tăng cường nguồn cung hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả bình ổn.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng ước đạt 107.996 tỷ đồng (gần 108 nghìn tỷ đồng), tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 53.717 tỷ đồng, chiếm 49,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Nhóm các mặt hàng phục vụ nhu cầu chủ yếu của người dân trong dịp tết Nguyên đán tăng cao so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình; vật phẩm văn hóa, giáo dục. Trong khi đó, một số nhóm mặt hàng có doanh thu giảm so với tháng trước như: Gỗ và vật liệu xây dựng; phương tiện đi lại; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.
![]() |
Bán lẻ hàng hoá tại TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh vào tháng 1/2025 |
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2025 ước đạt 12.832 tỷ đồng, chiếm 11,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giảm 5,6% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu lưu trú giảm 22,4% so với tháng trước và giảm 10,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 3,0% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ. Dịch vụ lữ hành tháng 1/2025 ước đạt 2.598 tỷ đồng, giảm 16,0% so với tháng trước và tăng 17,0% so với cùng kỳ.
Số lượng khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh trong tháng ước đạt 493,8 nghìn lượt, tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 1 ước đạt 38.849 tỷ đồng, giảm 16,6% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 22.932 tỷ đồng, chiếm 59,0% trong doanh thu dịch vụ khác; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ giảm nhẹ; nhóm giáo dục và đào tạo, nhóm y tế tăng, nhóm nghệ thuật, vui chơi, giải trí cùng tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng đồng loạt tăng
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 4,29% so với cùng kỳ. Trong mức tăng 0,92% so với tháng trước có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế (+16,73%), 01/11 nhóm giảm là nhóm giáo dục (-0,24%).
Diễn biến chỉ số giá một số nhóm hàng so với tháng trước, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%, trong đó, lương thực tăng 0,48%, thực phẩm tăng 0,92%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,10%.
Một số mặt hàng nhóm lương thực tăng như gạo tăng 0,57%, bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,06%; đồng thời ở nhóm thực phẩm, thịt gia súc tăng 1,35%, thủy sản tươi sống tăng 1,29%, thủy sản chế biến tăng 1,34%, rau tươi, khô và chế biến tăng 1,42%.
Đồ uống và thuốc lá tăng 0,43%, trong đó, nhóm mặt hàng đồ uống không cồn tăng 0,09%, rượu bia tăng 0,73%.
Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,43%, trong đó, nhà ở thuê tăng 0,93%, dịch vụ sửa chữa nhà tăng 1,72%, nước sinh hoạt giảm 1,28%, điện sinh hoạt giảm 1,25%, gas và các loại chất đốt khác giảm 0,85%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%, chủ yếu do nhu cầu mua sắm, trang trí nhà cửa tăng cao vào dịp trước Tết.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 16,73%, chủ yếu từ nhóm dịch vụ y tế tăng 20,42% do được điều chỉnh theo Thông tư 21/2024/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Bộ Y tế và Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Nhóm giao thông tăng 0,88%, chủ yếu từ nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,10% do nhu cầu đi lại tăng vào dịp trước Tết, giá nhiên liệu tăng 1,73%, bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 1,11%.
Giáo dục giảm 0,24% do giá học phí một số trường trung học cơ sở được điều chỉnh theo Nghị quyết 37/2024/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, bước qua tháng 1/2025, chương trình bình ổn thị trường của Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng hàng hóa 20 xuyên suốt phục vụ người dân trước, trong và sau Tết, thị trường giá cả hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn duy trì ổn định. |