Xuất khẩu thủy sản khó đạt 7 tỷ USD. Tín hiệu khởi sắc giúp xuất khẩu thủy sản tăng tốc cuối năm |
Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc)
Trong những năm gần đây, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã chứng tỏ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Với mức tăng trưởng ấn tượng 61% trong tháng 11/2024, hai thị trường này đã vượt lên dẫn đầu, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng chủ lực được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). Với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 676 triệu USD và cá tra đạt 479 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2024, cho thấy nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại hai thị trường này rất lớn.
Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong tháng 1, khi kim ngạch đạt hơn 118 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị phần, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chú trọng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, và cập nhật các xu hướng tiêu dùng tại hai thị trường này.
![]() |
Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực khi mang về 4 tỷ USD. Ảnh: VASEP |
Hoa Kỳ
Trong 3 quý đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng khi đạt giá trị 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản Việt Nam tại thị trường lớn nhất thế giới đang tăng lên mạnh mẽ.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam với 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 256 triệu USD trong 3 quý đầu năm 2024, tăng 24% so với cùng kỳ. Dự báo thị trường này sẽ tiếp tục tiêu thụ mạnh các sản phẩm như cá tra fillet đông lạnh, góp phần vào mức tăng trưởng chung của ngành thủy sản Việt Nam.
Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ có thể duy trì ổn định với mức thuế chống trợ cấp sơ bộ 2,84%, thấp hơn so với các đối thủ như Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là thị trường có sự cạnh tranh rất cao, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng cải tiến chất lượng và chiến lược tiếp thị để duy trì vị trí trên thị trường.
Châu Âu
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang châu Âu trong 3 quý đầu năm 2024 đạt 875 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 408 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang châu Âu chỉ gần tương đương cùng kỳ với mức tăng 0,04%, đạt 144 triệu USD. Bù lại, xuất khẩu cá ngừ lũy kế 10 tháng đầu. năm 2024 sang thị trường này lại tăng 19%, giúp Việt Nam thu về 821 triệu USD.
Trong đó, tôm và cá tra của Việt Nam tiếp tục chiếm ưu thế trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu sang châu Âu. Hà Lan là quốc gia đứng đầu trong khối EU về nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, chiếm 18,6% tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của EU. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức từ các chính sách bảo vệ và yêu cầu về chất lượng, bao gồm cả vấn đề thẻ vàng IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).
![]() |
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Nhật Bản
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản trong 3 quý đầu năm 2024 đạt giá trị 1,25 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tôm đạt 424 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các nhóm thủy sản lớn sang Nhật Bản gồm cá đông lạnh (37,2%); tôm (32,6%); cua (5,3%); bạch tuộc (4,9%); mực (4,6%). Tính riêng tháng 1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 37 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), chiếm 15,4% tỷ trọng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản chậm lại, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có những thành tích ấn tượng, đặc biệt với các mặt hàng như tôm và cá tra, vốn tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào kim ngạch xuất khẩu.
ASEAN
Trong năm 2024, Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các quốc gia trong khu vực ASEAN, với các mặt hàng chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ, mực và nhuyễn thể. Trong đó, cá tra là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu, đặc biệt sang Malaysia, nơi Việt Nam chiếm tới 96% thị phần fillet cá tra đông lạnh.
Thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN của thủy sản Việt Nam là Thái Lan, tiếp theo là Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia. Theo Ủy ban Thương mại thế giới (ITC), kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Thái Lan trong 3 quý đầu năm đạt 15,554 triệu USD; trong khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Singapore đạt trị giá 5,783 triệu USD, tăng tốt ở nhóm hàng cá tươi (19,33%).
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở ASEAN được dự báo tăng trưởng mạnh trong những năm tới, mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn là giá cả giảm và cạnh tranh gay gắt.
Năm 2024 xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với khoảng 10 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023. Đây là lần thứ hai ngành thủy sản xuất khẩu đạt con số 10 tỷ USD. Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực khi mang về 4 tỷ USD (tăng 17%), tiếp đến là cá tra đạt 2 tỷ USD và cá ngừ cũng thu về 1 tỷ USD...Năm 2025, ngành thủy sản đang hướng tới mục tiêu đạt 11 tỷ USD. |