Những chiếc buýt điện được VinFast bàn giao lần này là dòng xe mới nhất, được hãng nghiên cứu và phát triển cho không gian đô thị, góp phần thúc đẩy mục tiêu đạt 100% bus điện vào năm 2035 tại thủ đô.
Dòng xe buýt điện mới của VinFast có hai cấu hình, gồm loại sức chứa 60 chỗ (24 ghế) và 30 chỗ (18 ghế), tích hợp nhiều tính năng hiện đại, có thể tùy biến theo yêu cầu của đơn vị vận hành.
Trong đó, lô buýt điện bàn giao đầu tiên có 66 chiếc, sức chứa tối đa 60 người, gồm 24 ghế ngồi, 34 chỗ đứng và có khu vực dành cho xe lăn và ghế lái. Xe có kích thước dài, rộng và cao lần lượt 8.610 x 2.470 x 3.220 (mm). Chiều dài cơ sở 4.850 mm và trọng lượng không tải 9.300 kg. Mẫu buýt trang bị động cơ điện làm mát bằng dung dịch, dẫn động cầu sau, tốc độ tối đa 80 km/h và dùng pin LFP.
![]() |
Dàn buýt điện mới được VinFast bàn giao. Ảnh: VinFast |
Mẫu buýt trang bị hệ thống treo khí nén trước và sau, hệ thống trợ lái thủy lực, phanh đĩa trước và sau cùng các công nghệ an toàn tiên tiến như: chống bó cứng phanh (ABS), hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA), phân phối lực phanh điện tử (EBD), hệ thống cảm biến chống kẹp cửa trước và sau, hệ thống biển báo, đèn LED, nút bấm...
Tương tự mẫu buýt thông minh đầu tiên đang được VinBus vận hành trên toàn quốc, dòng xe mới cũng có hệ thống hạ thấp sàn xe, tạo thuận lợi cho xe lăn di chuyển lên xuống. Bà Dương Thị Thu Trang, phó tổng giám đốc Kinh doanh VinFast toàn cầu cho rằng, kích thước nhỏ gọn giúp mẫu bus mới phù hợp di chuyển trong phố, các khu vực đông dân cư, thân thiện môi trường. Dòng buýt điện mới của VinFast sẽ tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng tại Việt Nam. Để đẩy nhanh quá trình xanh hóa, VinFast cam kết chính sách giá tốt, bảo hành vượt trội, cung cấp giải pháp sạc linh hoạt, phù hợp nhu cầu của đơn vị vận tải.
Trước mắt, lô xe buýt điện mới của VinFast sẽ được đưa vào vận hành trên 04 tuyến giao thông với điểm đầu – cuối lần lượt gồm: tuyến 05 (Mai Động - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội); tuyến 39 (Công viên Nghĩa Đô - Mai Động (Bãi đỗ xe Đền Lừ)); tuyến 47 (gồm nhánh tuyến 47A: Long Biên - Bát Tràng và nhánh tuyến 47B: Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ) và tuyến 59 (Đông Anh – Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Theo kế hoạch, trong năm 2025, toàn bộ xe buýt trên các tuyến giao thông trên sẽ được thay thế hoàn toàn bằng xe buýt điện. Việc chuyển đổi sang xe điện sẽ nâng tổng số tuyến chuyển đổi sang xe buýt điện của thành phố lên 14, bên cạnh 10 tuyến xe buýt điện đang do Vinbus vận hành. Theo lộ trình, đến năm 2035, tỷ lệ xe buýt tại Thủ đô sẽ đạt 100% là xe điện.
VinFast cho biết, hãng đang tiếp tục phát triển các dòng buýt mới, thiết kế và kích thước phù hợp đặc thù giao thông ở các địa phương, thúc đẩy quá trình xanh hóa giao thông công cộng theo lộ trình của Chính phủ.