Việt Nam thu về hơn 1,04 tỷ USD từ xuất khẩu sắn Tăng tốc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu được 230,79 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 90,75 triệu USD, tăng 30,8% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với tháng 10/2024. Tuy nhiên, so với tháng 11/2023 vẫn giảm 14,1% về lượng và giảm 32,6% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,32 triệu tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
![]() |
Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu sắn hạ nhiệt |
Do nhu cầu của Trung Quốc chậm nên giá sắn xuất khẩu trong mấy tháng gần đây thường xuyên ở mức thấp. Tháng 11/2024, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 393,2 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 10/2024 và giảm 21,5% so với tháng 11/2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 450,2 USD/tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 95,9% về lượng và chiếm 94,37% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản từ sắn của cả nước, với 221,33 nghìn tấn, trị giá 85,64 triệu USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 10/2024.
Tuy nhiên, so với tháng 11/2023 giảm 10,5% về lượng và giảm 31,3% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 2,15 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 958,66 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11/2024, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 11 tháng 2024, xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Đài Loan, Malaysia và Pakistan.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, từ đầu tháng 12/2024 đến nay, mặc dù giá sắn đã giảm sâu, nhưng nhu cầu mua hàng từ các nhà máy Trung Quốc vẫn rất chậm. Tồn kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) ở mức khoảng 120.000 tấn (ở ngưỡng rất thấp so với mức tiêu thụ tinh bột sắn tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm chính vụ hàng năm). Một số đơn vị kinh doanh xuất khẩu tinh bột sắn nhận định rằng, nguyên nhân sụt giảm có thể là do nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, chuyển dịch công xưởng từ Trung Quốc qua các nước ASEAN…
Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, hiện giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 423-435 USD/tấn, FOB cảng TP. Hồ Chí Minh, giảm 20 USD/tấn so với cuối tháng trước. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái dao động ở mức 3.130-3.250 CNY/tấn, giảm 140 CNY/ tấn so với cuối tháng trước.
Giá xuất khẩu sắn lát tiếp tục giảm so với cuối tháng trước. Hiện giá xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc dao động ở mức 225 USD/tấn (FOB cảng Việt Nam), giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng trước; trong khi giá xuất khẩu sắn lát sang Hàn Quốc giảm xuống mức 280 USD/tấn (FOB Quy Nhơn), giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng trước. Trong bối cảnh thị trường đầu ra chậm và giá giảm như hiện nay, các đơn vị kinh doanh sắn lát vụ 2024/25 có thể sẽ tập trung thu mua sắn lát theo tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì mua số lượng lớn hàng dùng cho nhà máy sản xuất cồn.