Quảng Ninh vượt khó, đạt nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng Quảng Ninh: Nâng tầm sản phẩm OCOP, hướng tới thị trường cao cấp |
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, Quảng Ninh đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, kéo theo đó là sự phát triển sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sự bùng nổ của du lịch đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ, tạo động lực mới cho nền kinh tế địa phương.
Tăng trưởng kinh tế nhờ kích cầu tiêu dùng
Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa do tỉnh Quảng Ninh triển khai đã đóng vai trò quan trọng, trở thành "đòn bẩy" thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh sở hữu hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại và đa dạng, với 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi. Hệ thống này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
![]() |
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa đang được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Quảng Ninh tich cực thực hiện. Ảnh: Nguyễn Hương |
Hiện, có 393 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao đã được lên các sàn thương mại điện tử: Shopee, Tiki, Lazada, YouTube, TikTok để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Có 82 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại tại siêu thị GO! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha... chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và các điểm mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch. 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương...
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt rộng rãi trên thị trường. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hội chợ, tuần xúc tiến thương mại đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Động lực mới cho thương mại nội địa
Quảng Ninh đang khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu thúc đẩy thương mại nội địa. Với nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức từ đầu năm 2024 như Tuần hàng Việt và các chương trình kết nối kinh doanh, tỉnh đã tạo ra một sân chơi sôi động cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Những sự kiện này không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày sản phẩm mà còn là cầu nối quan trọng, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận với đa dạng sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Môi trường cạnh tranh lành mạnh đang góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để có một “bức tranh” rõ nét về tương lai phát triển thương mại nội địa, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 - 9,5%/năm và đóng góp khoảng 10 - 12%/năm giai đoạn 2026 - 2030; đến năm 2030, đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022 - 2025 đạt tốc độ tăng bình quân 7 - 18%/năm; giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng bình quân từ 15 - 16%/năm.
Giai đoạn 2031 - 2045, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5 - 9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12 - 13%/năm. Đến năm 2045, kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên ứng dụng công nghệ số hóa; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 80% tại các kênh phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại và trên 70% tại các chợ truyền thống.
Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao, Quảng Ninh đang tạo ra một động lực mới cho sự phát triển của thương mại nội địa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.