7 năm, ngành hàng không gặp 632 sự cố máy bay

20:08 | 25/09/2024 In bài biết
Giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2023, ngành hàng không ban hành 2.768 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt hơn 28,7 tỉ đồng.
Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng phương án ứng phó áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông Hàng không siết chặt kiểm soát giấy tờ với hành khách nhập cảnh, quá cảnh Bộ Giao thông Vận tải: Loạt giải pháp ổn định vận tải hàng không

Chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát, nêu kết quả bảo đảm an toàn hàng không dân dụng.

Nước ta hiện nay có 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó có 5 cảng hàng không trọng điểm; 12 cảng hàng không nội địa có quy mô nhỏ hơn so với các sân bay quốc tế, chủ yếu phục vụ các nhu cầu di chuyển trong nước. Ngoài ra, có sân bay Long Thành (Đồng Nai) đang trong quá trình xây dựng.

7 năm, ngành hàng không gặp 632 sự cố máy bay
Máy bay của hãng Eva Air đâm trúng cột đèn tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 3/7/2024. Ảnh: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Theo ông Lê Tấn Tới, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa hàng không dân dụng, quân sự được các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải trao đổi, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, giai đoạn 2016 - 2023, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận 2 tai nạn (trong hoạt động hàng không chung, trong đó 1 tai nạn không có thiệt hại về người) và 632 sự cố, trong đó có 9 sự cố nghiêm trọng mức B, 63 sự cố uy hiếp an toàn cao mức C, 560 sự cố uy hiếp an toàn mức D.

Công tác giám sát an toàn được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phương pháp giám sát liên tục được đổi mới theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhằm nâng cao chất lượng cũng như tối ưu nguồn lực giám sát của Nhà chức trách hàng không.

Nhìn tổng quát, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và các Cảng hàng không đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các Điều ước và Tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến công tác an toàn hàng không, bảo đảm an ninh.

Bên cạnh đó, đối với đường bộ, trong báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm.

Đặc biệt là vi phạm "nồng độ cồn", quá tải trọng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Mặc dù, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao.

Theo Đoàn giám sát, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả còn thấp, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông.

Trong khi đó, nhiều bất cập về hạ tầng giao thông chưa được giải quyết, gia tăng số lượng phương tiện giao thông, tốc độ đô thị hóa và nhu cầu đi lại của người dân, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng

Theo đó, Đoàn giám sát kiến nghị thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, cần đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Phát triển phương tiện giao thông đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân.

Thanh Thuy

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/7-nam-nganh-hang-khong-gap-632-su-co-may-bay-348336.html