Việt Nam có nhiều tiềm lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ "cận biên" lên "mới nổi"

12:39 | 08/08/2024 In bài biết
Việt Nam cần bảo đảm nâng hạng thị trường chứng khoán từ phân hạng quốc gia “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi” để thu hút dòng vốn toàn cầu.
Áp lực bán tăng cao, thị trường chứng khoán sẽ ra sao? Thị trường chứng khoán Việt sẵn sàng trở thành "miền đất hứa" cho nhà đầu tư Singapore Giám đốc VNDirect: Nhiều nhóm ngành đem lại cơ hội đầu tư tốt trong nửa cuối năm 2024

Thời gian qua, với những nỗ lực đổi mới, hoàn thiện khung khổ chính sách, trải qua hơn hai thập kỷ hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút, tính hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.

Cụ thể, năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến hết tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng +10,2% so với cuối năm trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường cổ phiếu (HOSE, HNX, UPCoM) trong 6 tháng đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng +39,9% so bình quân năm 2023.

Hiện tại, Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên (khoảng 30% tổng tài sản quản lý).

Theo ước tính của WB, trong trường hợp nếu được MSCI và FTSE Russell nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế.

Nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm “hút” thêm vốn toàn cầu vào Việt Nam

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Ban tổ chức

Chia sẻ tại diễn đàn đầu tư “Từ chính sách đến thực tiễn hướng tới nâng hạng thị trường vốn Việt Nam lên thị trường mới nổi”, ngày 7/8, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phươngc cho biết, thời gian qua, các nhà đầu tư tài chính, các ngân hàng, các quỹ đầu tư toàn cầu đều đặt nhiều kỳ vọng vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo bà Phương, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Về giải pháp chính sách nhằm hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán, hiện nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn tất dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin.

Dự thảo đã đăng tải công khai sau khi hoàn thiện, tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi các tổ chức, cá nhân trên thị trường. Hiện tại, Dự thảo vẫn tiếp tục hoàn thiện những khâu cuối cùng để trình Lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.

“Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán luôn tiếp thu các ý kiến của thị trường, các đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi giai đoạn, bối cảnh kinh tế đều tác động đến quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách trên thị trường vốn nhưng chúng tôi luôn hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường chứng khoán lâu dài", Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhấn mạnh.

Việt Nam có nhiều tiềm lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ "Cận biên" lên "Mới nổi".
Nâng hạng thị trường chứng khoán, hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vietstock

Tương tự, theo Giám đốc điều hành Bộ phận Chứng khoán và giao dịch ASIFMA, ông Lyndon Chao đánh giá, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi có tăng trưởng FDI cao, lực lượng lao động tăng trưởng với 56% dân số dưới độ tuổi 35, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.

Theo Giám đốc ASIFMA, để thu hút thêm vốn toàn cầu vào Việt Nam, cần bảo đảm nâng hạng thị trường chứng khoán từ phân hạng quốc gia “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi” do chính sách của nhiều công ty quản lý quỹ là không đầu tư vào thị trường cận biên.

Bên cạnh đó, ông Lyndon Chao cũng khẳng định sự tiếp tục hỗ trợ của ASIFMA khi nhóm công tác của ASIFMA sẵn sàng phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và VSDC trong hoàn thiện các chính sách, quy trình liên quan phục vụ việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Việc nâng hạng thị trường luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Vì khi nâng hạng sẽ giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước có thể thu được nguồn thu cao hơn cho ngân sách nhà nước. Điều này được kỳ vọng sẽ lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Do đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực để hoàn thiện phần lớn các tiêu chí cần thiết nhằm đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi".

Ngọc Hoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/viet-nam-co-nhieu-tiem-luc-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-tu-can-bien-len-moi-noi-337669.html