Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin để phát triển kinh tế xanh

05:00 | 18/04/2024 In bài biết
Tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, cần gắn chặt chuyển đổi số với chuyển đổi xanh
Hướng đi cho kinh tế xanh Việt Nam Phát triển vùng Đông Nam bộ: Xu hướng kinh tế xanh bền vững Thách thức của biến đổi khí hậu và cơ hội cho kinh tế xanh

Theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Kinh tế xanh bao gồm phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững.

Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin để phát triển kinh tế xanh
Quang cảnh Diễn đàn

“Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường”, ông Đỗ Tiến Sỹ nói.

Phân tích về mối quan hệ chuyển đổi kép- chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ các cơ hội trong quá trình chuyển đổi kép này theo đó kinh tế số tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP. Kinh tế số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu, góp phần tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

“Tuy nhiên kinh tế số không phải không có thách thức khi hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu. Cùng với đó làm phát sinh rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh”, ông Trần Minh Tuấn cho biết.

Theo ông Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp.

Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế: hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.

"Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số do thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh mới ở giai đoạn sơ khai. Kết nối và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế: gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các bộ, ngành. Mới chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở", ông Chử Đức Hoàng nhận định.

Đổi mới công nghệ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh, đề thực hiện được việc đó, theo ông Chử Đức Hoàng, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.

Quang Lộc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/viet-nam-can-1-trieu-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-de-phat-trien-kinh-te-xanh-315338.html