Giá kim loại suy yếu sau các chuỗi tăng nóng

09:30 | 17/04/2024 In bài biết
Kết thúc ngày giao dịch 16/4, sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại.
Giá bạc tăng cao nhờ sức nóng từ thị trường kim loại quý Giá kim loại ‘đua nhau’ đạt đỉnh Giá kim loại tăng mạnh sau lệnh cấm của Mỹ và Anh đối với sản phẩm từ Nga

Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm do vai trò trú ẩn bị thất thế. Đáng chú ý, giá bạc đã chấm dứt chuỗi tăng 12 phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức 28,37 USD/ounce sau khi giảm 1,19%. Giá bạch kim giảm hai phiên liên tiếp, để mất 0,59% về 975,2 USD/ounce.

Giá bạc và giá bạch kim hạ nhiệt khi xung đột tại Trung Đông không leo thang mạnh mẽ như thị trường lo ngại trước đó. Hơn nữa, đồng bạc xanh mạnh lên càng khiến giá kim loại quý chịu sức ép. Chỉ số Dollar Index đã tăng 5 phiên liên tiếp và hiện đang neo ở mức đỉnh 5 tháng, do kỳ vọng hạ lãi suất suy yếu và bức tranh kinh tế Mỹ tích cực. Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch, xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vào tháng 6 chỉ còn dưới 20%, giảm mạnh từ khoảng 56% trong tuần trước.

Bảng giá kim loại
Bảng giá kim loại

Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng cũng đồng loạt giảm giá, dẫn dắt đà giảm của nhóm là mức giảm 2,51% của giá quặng sắt. Giá nguyên liệu thô sản xuất thép gặp áp lực sau khi Trung Quốc công bố sản lượng thép thô giảm trong tháng 3, do các nhà sản xuất thép cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn dự kiến và tồn kho ngày càng tăng.

Cụ thể, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 88,27 triệu tấn trong tháng 3, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, Trung Quốc sản xuất 256,55 triệu tấn thép thô, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, nhôm LME là mặt hàng duy nhất tăng giá trong nhóm kim loại cơ bản. Chốt ngày, giá nhôm LME tăng 0,25% lên 2.561 USD/tấn, duy trì ở vùng giá cao nhất trong hơn 1 năm. Giá nhôm vẫn được hưởng lợi bởi lo ngại nguồn cung gián đoạn khi Mỹ và Anh cấm giao dịch và nhập khẩu kim loại của Nga, trong đó có nhôm.

Ngoài ra, sức phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ, kéo theo sự tăng trưởng sản xuất nhôm sơ cấp tại Trung Quốc cũng là yếu tố hỗ trợ tới giá. Trong tháng 3, Trung Quốc đã sản xuất 3,59 triệu tấn nhôm sơ cấp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng nhôm sơ cấp đạt 10,69 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Theo Sở giao dịch hàng hóa VN

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/gia-kim-loai-suy-yeu-sau-cac-chuoi-tang-nong-315189.html