Quý đầu tiên của năm 2024 với thủ đô Hà Nội nếu xét dưới góc độ số liệu thì quả là nhiều niềm vui. Tổng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý là lượng khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội ước đạt 1,4 triệu lượt khách và tăng đến 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng đó, Hà Nội trong các tháng đầu năm còn đạt nhiều danh xưng hấp dẫn với cả du khách trong nước lẫn quốc tế.
![]() |
Biểu diễn nghệ thuật trong Ngày hội văn hóa, du lịch Sa Pa tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Lộc) |
Tuy nhiên những con số nói trên có vẻ như chưa đủ nói lên một bước chuyển mới về chất, về một phong cách làm du lịch mang tính chuyên nghiệp rất cần có để xứng với những danh xưng có được cùng nhiều lợi thế du lịch ít nơi có được như Hà Nội. Điểm thấy rõ nhất là nhu cầu trải nghiệm sâu với du khách mà nói cách khác là phải làm cho du khách chịu “móc hầu bao” chưa thực sự được quan tâm. Thay vào đó, lượng khách tuy đông nhưng phần lớn chỉ dừng ở mức độ đi và đến để “check in”, ít tạo được dấu ấn trong lòng du khách.
Cuối tuần dạo quanh thủ đô, được chứng kiến hai câu chuyện, xin ghi lại ở đây để cùng nhìn tới một cách làm du lịch chuyên nghiệp hơn, cũng là để tạo dấu ấn tốt cho du khách hiểu thêm về thủ đô, từ đó có lý do để quay lại.
Câu chuyện thứ nhất là tại một quán ăn được khá đông du khách cả trong nước lẫn nước ngoài biết đến trên phố Lý Quốc Sư, nằm gần chùa Lý Quốc Sư. Một hướng dẫn viên dẫn đoàn khách vào ăn nhưng rồi sau đó xảy ra cãi cọ với nhân viên trong quán. Lý do lại rất đơn giản là menu quán có nhiều món rán không hợp khẩu vị khách nên khách gọi đồ ít. Nhân viên quán bĩu môi, gọi ít thế này thì không bán, phải gọi nhiều. Anh hướng dẫn viên ớ người ra và rồi phải cùng đoàn khách trở ra sau khi đã bỏ vài chục nghìn chi tiền cho khách... đi vệ sinh.
Câu chuyện thứ hai là biểu tượng cánh buồm nằm ngay phía trước Trung tâm Văn hoá nghệ thuật ở 22 phố Hàng Buồm. Liên quan đến biểu tượng này thậm chí cách đây ít ngày còn có hẳn một chương trình trên tivi nói rằng phố Hàng Buồm từng là nơi bán đồ liên quan đến mái buồm của tàu thuyền đi lại trên sông.
![]() |
Phố Hàng Buồm nhưng... không liên quan gì đến những cánh buồm trên sông nước |
Điều này quả là khôi hài bởi tên phố tuy có chữ “buồm” nhưng không hề liên quan gì đến những mái buồm hoặc giả tương tự như vậy. Chữ “buồm” hay vỉ buồm ở đây là chỉ đồ đan bằng cói hoặc nan để đậy rổ, đậy thúng và cũng là những sản phẩm được bày bán phổ biến một thời trên con phố này. Những ai đã từng quen thuộc với những thúng xôi Hà Nội hẳn nhớ như in những tấm vỉ buồm được dùng làm phân cách các loại xôi như xéo, đậu, ngô, lạc, đỗ đen đỗ xanh, vừa có tác dụng giữ xôi được thơm ngon lại nóng lâu.
Giữa phố cổ mà còn có cách hiểu sai như thế, thậm chí lại còn trương lên thành biểu tượng để giữa phố, chả trách gì du khách hiểu sai đi.
Rõ ràng là du lịch càng phát triển thì rất cần sự chỉn chu như một yếu tố cần thiết cho phong cách chuyên nghiệp. Càng chỉn chu bao nhiêu càng hấp dẫn du khách bấy nhiêu. Những địa điểm đã lọt vào tầm ngắm của khách, hoặc được biết đến nhưng chưa đặt chân đến thực sự là những mảnh ghép thú vị của những hình tượng văn hoá vật thể lẫn phi vật thể mà nay không còn, luôn có sức vẫy gọi sự khao khát khám phá với du khách cả trong và ngoài nước.
Cũng cần lưu ý thêm là chủ thể của du lịch không chỉ là du khách mà còn chính là những người làm du lịch, đồng thời cũng chính là những công dân đang sinh sống tại địa bàn. Cái chuyên nghiệp của họ không có nghĩa là chỉ tạo lợi nhuận cho chính mình mà còn góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch của Hà Nội.
Đây là điều có vẻ như còn ít được quan tâm trong khi không nói đâu xa, du lịch mấy nước Đông Nam Á có phần hấp dẫn hơn du lịch Việt Nam không hẳn vì cảnh họ đẹp hơn, hạ tầng tốt hơn mà xuất phát từ thái độ, phong cách làm du lịch rất thân thiện, rất chuyên nghiệp dù doanh thu không phải lúc nào cũng rủng rỉnh.