Công ty Cổ phần Phúc Sinh - một trong những đơn vị dẫn đầu Việt Nam về xuất khẩu hồ tiêu, cà phê là cơ nghiệp do một tay doanh nhân Phan Minh Thông sáng lập, vun trồng. Với những đóng góp to lớn cho ngành sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu nước nhà, ông Thông được mệnh danh là "vua tiêu", thể hiện tầm vóc không kém cạnh so với "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ của Tập đoàn Trung Nguyên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cả "vua tiêu" lẫn "vua cà phê" Việt Nam đều bị "soán ngôi" đầu về xuất khẩu, bởi những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
![]() |
Ông Phan Minh Thông - người được mệnh danh là "vua tiêu" |
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 2/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 31.133 tấn hồ tiêu các loại, mang về giá trị gần 125 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 23,7%, kim ngạch giảm 2,9%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.840 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.459 USD/tấn, tăng lần lượt 13,9% và 8,1% so với cùng kỳ 2023.
Theo bảng xếp hạng của VPSA, trong 2 tháng đầu năm, Công ty Nedspice Việt Nam (Hà Lan) là doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu, đạt 3.555 tấn, so cùng kỳ tăng 44%; tiếp theo là Olam Việt Nam (Ấn Độ) 3.229 tấn, tăng 32%.
Các doanh nghiệp Việt xếp ở vị trí tiếp theo gồm: Công ty Trân Châu 2.265 tấn, giảm 33,4% so với cùng kỳ; Công ty Phúc Sinh 1.744 tấn, giảm 31,5% và Công ty Liên Thành 1.491 tấn, tăng 10,4%.
Trong năm 2023, hai doanh nghiệp FDI là Olam Việt Nam và Nedspice Việt Nam cũng lần lượt xếp vị trí dẫn đầu và thứ 2 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất năm. Tương tự bảng xếp hạng trong 2 tháng đầu năm 2024 của VPSA, Công ty Trân Châu và Công ty Phúc Sinh của Việt Nam chỉ đứng thứ 3 và thứ 4 ngay tại sân nhà.
Trong khi đó, có thời gian 2 doanh nghiệp Trân Châu và Phúc Sinh giữ vị trí quán quân về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét chung ngành hàng gia vị (hồ tiêu, hồi, quế...) xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì Công ty Phúc Sinh vẫn giữ vị trí số 1 với 15% thị phần vào năm 2023.
Đối với mặt hàng cà phê, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống là: Intimex HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam.
Về cà phê rang xay hòa tan, 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tính theo kim ngạch là: Outspan Việt Nam, Cà phê Ngon, Nestlé Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên, Tata Coffee Việt Nam, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.
Như vậy, đứng đầu top các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam là Tập đoàn Intimex do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, với sản lượng xuất khẩu hơn 148.500 tấn, giá trị hơn 318 triệu USD.
Trong khi được gọi là "vua cà phê" Việt Nam, chi nhánh Tập đoàn Trung Nguyên - Nhà máy Cà phê Sài Gòn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ xếp vị trí thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan với sản lượng xuất khẩu hơn 14.700 tấn, giá trị thu về gần 74,6 triệu USD.