Đà Nẵng: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ Longform | Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Luôn cầu thị lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp |
Thông tin tại cuộc họp cho biết, trên cơ sở các chính sách đã được Quốc hội ban hành và áp dụng tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đề xuất 27 chính sách, bao gồm 21 chính sách tương tự các địa phương, trong đó có 11 chính sách tương tự hoàn toàn, 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung 6 chính sách mới.
![]() |
Phát triển Đà Nẵng ngang tầm vị thế của thành phố. Ảnh minh hoạ. |
Theo đó, 6 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố Đà Nẵng gồm thí điểm thành lập Khu thương mại tự do thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Cùng với đó, Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định việc cho phép thành phố Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát (Sanddox) qua sử dụng công nghệ chuỗi khối…. Việc đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là cơ hội cho Đà Nẵng, bởi sự phát triển của Đà Nẵng không chỉ riêng cho địa phương mà sứ mệnh của Đà Nẵng là để Đà Nẵng bật lên, lan tỏa và dẫn dắt kinh tế vùng miền Trung đi lên. Bên cạnh nhận diện những khó khăn, thách thức thì Đà Nẵng có nhiều cơ hội, thuận lợi bởi ngoài việc đã có các chủ trương, hiện nay có các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch riêng của thành phố Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trong phát biểu cho biết Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành để xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Đối với trung tâm tài chính, đây cũng là vấn đề mà Đà Nẵng đang trăn trở.
“Đà Nẵng đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc này và Thủ tướng đã có gợi mở, định hướng. Trước mắt, Đà Nẵng mong muốn đưa việc hình thành trung tâm tài chính vào dự thảo Nghị quyết để làm nền tảng cho quá trình triển khai, thực hiện sau này”, Bí thư Nguyễn Văn Quảng nói.
Đối với vấn đề nhân lực cho ngành công nghệ cao, bán dẫn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết muốn đào tạo và thu hút được nhân lực, cần có cơ chế đặc thù. Cùng với đó, cần thêm các cơ chế để mua sắm, đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu chíp, đào tạo nhân lực. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng khẳng định sẽ nghiên cứu để xuất các cơ chế, chính sách có đầy đủ tính pháp lý, khả thi khi triển khai.
Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận của thành phố Đà Nẵng khi tập trung xây dựng những chính sách rất đặc thù, sát với mục tiêu phát triển của thành phố.
Đa số ý kiến đồng tình với những cơ chế, chính sách mà thành phố Đà Nẵng đề xuất, đồng thời tập trung góp ý vào một số cơ chế, chính sách cụ thể liên quan thí điểm thành lập Khu thương mại tự do thành phố Đà Nẵng; phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính; cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, hỗ trợ, đào tạo và thu hút nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) qua sử dụng công nghệ blockchain trong quản lý và giao dịch tài sản số trên nền tảng DanangChain…