Tại kỳ họp thức 13 tổ chức ngày 8/12, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua dự thảo Nghị quyết phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2024.
Theo đó, HĐND TP. Hồ Chí Minh thống nhất phê duyệt kế hoạch vay chính quyền địa phương năm 2024 của thành phố. Tổng mức vay là hơn 9.700 tỷ đồng.
![]() |
HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng phê duyệt kế hoạch trả nợ chính quyền địa phương năm 2024 của thành phố, với tổng số tiền trả nợ gốc, lãi và phí các khoản vay trong năm tới là hơn 1.900 tỷ đồng |
Theo kế hoạch, mục đích sử dụng vốn vay để bù đắp bội chi ngân sách là hơn gần 9.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc là hơn 750 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay được thực hiện dưới 2 hình thức, bao gồm từ nguồn vốn Chính phủ về cho vay lại là hơn 4.700 tỷ đồng và vay trong nước là hơn 5.000 tỷ đồng.
HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng phê duyệt kế hoạch trả nợ chính quyền địa phương năm 2024 của thành phố, với tổng số tiền trả nợ gốc, lãi và phí các khoản vay trong năm tới là hơn 1.900 tỷ đồng.
Đáng chú ý, HĐND thành phố cũng chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 theo đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng với khối lượng phát hành tối đa trái phiếu là hơn 5.000 tỷ đồng, trong năm 2024.
HĐND TP. Hồ Chí Minh giao UBND thành phố đảm bảo kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương phù hợp với kế hoạch tài chính giai đoạn 2021 - 2025. Phân bổ và sử dụng vốn vay đúng mục tiêu, hiệu quả; đảm bảo công khai, minh bạch; bố trí ngân sách địa phương trả nợ đầy đủ, đúng hạn…
Riêng nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương được thực hiện theo Nghị định 93/2018 về quản lý nợ của chính quyền địa phương trước khi tổ chức phát hành.
Cũng tại kỳ họp, UBND TP. Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho TP. Hồ Chí Minh dự kiến là 3.686 tỷ đồng, bao gồm 2.545 tỷ đồng vốn trong nước và 1.140 tỷ đồng vốn nước ngoài.
UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho các dự án như: dự án xây dựng nút giao An Phú 500 tỷ đồng; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường vành đai 3 số vốn 500 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 huyện Bình Chánh 45,89 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên 1.500 tỷ đồng…
Tổng số ngân sách địa phương của TP. Hồ Chí Minh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự kiến hơn 75.577 tỷ đồng. UBND thành phố đề xuất phân bổ cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 74.282 tỷ đồng.
Trong đó, bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là 1.227 tỷ đồng; bố trí vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP là 6.814 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư sử dụng vốn ngân sách thành phố là 58.431 tỷ đồng.
Đồng thời, phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công của các huyện và TP. Thủ Đức từ nguồn vốn ngân sách thành phố là 1.294 tỷ đồng.