Hai "ông lớn" Sovico và SGI quan tâm đất hiếm Lai Châu Việt Nam khởi động kế hoạch khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất tại Lai Châu |
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Rõ ràng là đất hiếm ngày càng đóng vai trò lớn trong hoạt động của các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới và xa hơn là chất lượng phát triển của các nền kinh tế, thậm chí là có vai trò quyết định ở một số ngành mũi nhọn, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Chính bởi vậy dù giá trị giao dịch thế giới của đất hiếm chỉ khoảng 10 tỷ USD so với 2.000 tỷ USD của thị trường dầu mỏ song đất hiếm thực sự là “chú lùn” mang đầy đủ sức mạnh và cả quyền năng tác động.
Đặc biệt việc mới đây các cơ quan chức năng của Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương Đoàn Văn Huấn và thuộc cấp liên quan đến việc bán trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm, trị giá khoảng 440 tỷ đồng khiến mối quan tâm về loại nguyên liệu này càng tăng lên.
Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu ái nguồn trữ lượng quặng đất hiếm với mức 22 triệu tấn được xem là hàng đầu thế giới, đưa Việt Nam ở vị thế rất mạnh về nguồn lực nguyên liệu chiến lược trong tương lai.
Mặc dù việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam đã có lâu nay song tình hình triển khai khai thác, chế biến mỏ đất hiếm của Việt Nam còn rất hạn chế mà nguyên nhân chính là các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng từ 95% trở lên cũng như chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ.
Hiện Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng ô-xít đất hiếm khoảng 30%. Trong khi đó đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ cũng như xem đây là con át chủ bài của riêng mình.
![]() |
Đất hiếm có vai trò quan trọng trong việc chế tạo nhiều loại sản phẩm điện tử công nghệ cao. Ảnh minh họa: EEPower |
Một trở ngại không nhỏ nữa là khâu quản lý các tác động đến môi trường trong khai thác đất hiếm là khá phức tạp bởi việc khai thác này không chỉ tác động cả môi trường đất mà còn cả môi trường không khí trong khi Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong các khâu quản lý này.
Có thể thấy công nghệ ngành đất hiếm chưa phát triển như mong muốn là do đầu tư cho khoa học - công nghệ lĩnh vực này chưa đủ tầm, thiếu tập trung và lĩnh vực ứng dụng đất hiếm chưa tìm được vị trí xứng đáng trong nền kinh tế thị trường.
Xu thế hiện nay là việc cạnh tranh nguồn đất hiếm ngày càng gia tăng mạnh, các nền kinh tế đang ráo riết tìm các nguồn cung đất hiếm mới. Rõ ràng là để phát huy được nguồn lực dự trữ đất hiếm, Việt Nam cần thiết phải có các giải pháp căn cơ để phát huy nguồn lực hết sức quý giá này.
Trong đó các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động công nghệ cả về khai thác lẫn chế biến, nhất là khi thời gian phát huy vai trò của nguyên liệu đất hiếm này được dự báo là chỉ trong vòng 20 năm tới theo quan điểm của ông Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học vật liệu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Sơn, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phân chia, làm sạch các ô-xít đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất.
Theo chuyên gia này, khi Việt Nam đang dần trở thành khu vực thu hút đầu tư cho ngành xe điện, năng lượng mới, cần phát triển nội lực công nghệ chế tạo kim loại đất hiếm, đưa kim loại đất hiếm thành nguyên liệu chiến lược để nắm quyền chủ động trong hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bá Thuận (Viện Công nghệ xạ hiếm) kiến nghị, trong nghiên cứu chế biến quặng đất hiếm, cần xây dựng một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến quặng đất hiếm nhằm hoàn thiện các công nghệ quy mô sản xuất nhỏ và giải quyết các phát sinh trong quá trình sản xuất cũng như cập nhật công nghệ mới. Trung tâm sẽ là nơi liên kết với doanh nghiệp, trình diễn và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp…
Nhiều chuyên gia cho rằng, đất hiếm phải trở thành một hình mẫu về khai thác và chế biến khoáng sản với việc triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu ở Việt Nam.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cấn Dũng |
Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu mới đây, nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực khai thác đất hiếm tại Lai Châu. Nổi bật trong số đó là hai "ông lớn" Sovico Group và SGI của Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch sáng lập Sovico Group bày tỏ thông qua việc đầu tư một cách bài bản và trách nhiệm thể hiện sự chú trọng của Sovico Group đến việc thực hiện dự án khai thác đất hiếm theo hướng có lợi cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này bao gồm việc xem xét các khía cạnh kỹ thuật, tài chính, môi trường và xã hội để đảm bảo rằng dự án được triển khai một cách bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
“Chúng tôi rất mong muốn có cơ hội tham gia đầu tư, cũng như mang đến công nghệ, kết nối đối tác quan trọng để khai thác hiệu quả nguồi tài nguyên đất hiếm”, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Sovico (Sovico Group) và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phấn Hàng không Vietjet (sở hữu Vietjet Air) nhấn mạnh.
Trong khi đó một tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về sản xuất nam châm đất hiếm là Tập đoàn Star Group Industries Hàn Quốc (Tập đoàn SGI) cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm tại Lai Châu.
Ông Kong Koon Seung - Tổng giám đốc Tập đoàn SGI cho biết, SGI là tập đoàn có công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Tập đoàn SGI đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất nam châm vĩnh cửu tại Quảng Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 17ha, với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2024. Tuy nhiên khó khăn là nhà máy đang chưa có được đủ nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm.
“Chúng tôi rất vui mừng được có mặt tại đây để chia sẻ với quý vị kế hoạch của chúng tôi về việc khai thác thí điểm và sản xuất hàng loạt đất hiếm tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính ước tính khoảng 4 triệu USD để triển khai giai đoạn thí điểm của dự án”, ông Kong Koon Seung chia sẻ.
Tổng giám đốc Tập đoàn SGI "bật mí" SGI sẽ tập trung vào việc thử nghiệm và thí điểm quy trình khai thác đất hiếm ở quy mô nhỏ để bảo đảm hiệu suất và bền vững của quá trình. SGI sẽ sử dụng nguồn tài chính để đầu tư vào công nghệ, thiết bị và nhân lực cần thiết để thực hiện giai đoạn thí điểm một cách hiệu quả. Khi dự án thí điểm thành công SGI dự định tiến hành giai đoạn sản xuất hàng loạt.
![]() |
Đoàn công tác của Bộ Công Thương cùng lãnh đạo tỉnh Lai Châu khảo sát tình hình triển khai Dự án khai thác đất hiếm tại Đông Pao (Xã Bản Hon, Huyện Tam Đường). Ảnh: Cấn Dũng |
Những tín hiệu từ các doanh nghiệp quan tâm và chung tay thúc đẩy hiện thực hoá tiềm năng đất hiếm của Việt Nam là hết sức có ý nghĩa. Và cũng trong xu thế này, mới đây Công ty Cổ phần Chế biến đất hiếm Lai Châu và Viện Khoa học vật liệu đã ký hợp đồng hợp tác triển khai nghiên cứu nâng cao hiệu quả công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm từ quặng nguyên khai, nhằm phát triển công nghệ sản xuất đất hiếm tại Việt Nam.
Theo đó, hai bên sẽ tập trung triển khai, phát triển, nâng cao hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn sản xuất công nghiệp khai thác, chế biến quặng đất hiếm thành tổng ô-xit đất hiếm có hàm lượng lớn hơn hoặc bằng 95% TREO dựa trên bản quyền công nghệ của Công ty CP Chế biến đất hiếm Lai Châu theo hướng tận thu tối đa khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải có dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các (ô -xit hydroxit, muối) đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói, sản phẩm đất hiếm có vai trò đặc biệt trong chuỗi sản xuất công nghiệp giá trị cao toàn cầu. Do vậy, dự án khai thác đất hiếm đầu tiên và duy nhất đến nay tại Đông Pao, Lai Châu cần được quan tâm. |