Lai Châu muốn khuyến khích điện mặt trời mái nhà dân, cơ quan: Bộ Công Thương nói gì?

17:46 | 26/08/2023 In bài biết
UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư điện mặt trời áp mái tại nhà dân, trụ sở cơ quan để phục vụ tiêu thụ tại chỗ.
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành Bản tin gỡ khó của EVN và bài học "việc hôm nay chớ để ngày mai" Chưa phát triển điện mặt trời mái nhà trường học, khu công nghiệp: Tại sao?

Kiến nghị được ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - nêu ra tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh này với đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu ngày 23/8. Theo đó, tỉnh Lai Châu kiến nghị sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư điện mặt trời áp mái tại nhà dân, trụ sở cơ quan để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp và người dân khi tham gia các chương trình tiết kiệm điện.

Trả lời kiến nghị của tỉnh Lai Châu, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – cho biết: Ngày 13/6/2023 Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở và trụ sở doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Ảnh: MOIT

Đến ngày 16/6, Bộ Công Thương có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để nghiên cứu, có ý kiến về báo cáo của Bộ Công Thương và dự thảo quyết định về cơ chế.

Việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện hiện nay và các giải pháp, chính sách để huy động điện mặt trời áp mái từ nhà dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp thu ý kiến các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà.

“Bộ Công Thương đang xây dựng để có hướng dẫn đối với các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời đầu tư mới”, ông Phạm Nguyên Hùng cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết thêm, việc xác định giá bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay áp dụng tương tự như các dự án điện khác như thủy điện, nhiệt điện theo cơ chế: Các chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khuôn khổ khung giá do Bộ Công Thương ban hành để đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý và phù hợp với lộ trình phát triển của thị trường điện.

Cũng tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Lê Văn Lương –Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu – cho hay ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Theo chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, phục vụ tiêu thụ tại chỗ mà không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

“Tuy vậy việc hành thành chỉ tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên địa bàn tỉnh Lai Châu là không khả thi do tỉnh Lai Châu là miền núi, điều kiện kinh tế của người dân còn rất khó khăn”, ông Lương cho hay.

Trước đó, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết, việc chưa đưa ra cơ chế khuyến khích phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không phải là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay. Bởi việc này cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán.

Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời.

Theo đánh giá, sự phát triển nóng của điện mặt trời mái nhà nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã để lại một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao, trong thời gian dài mà nhiều người đang đổ lỗi cho cơ quan quản lý.

"Do đó, việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Hòa Bình

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/lai-chau-muon-khuyen-khich-dien-mat-troi-mai-nha-dan-co-quan-bo-cong-thuong-noi-gi-268854.html