Từ kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc” đến Luật theo dõi thi hành pháp luật

06:00 | 17/08/2023 In bài biết
Mới đây liên quan đến kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc”, dư luận không khỏi suy nghĩ trước câu trả lời của người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ động đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Xử lý 139.758 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại

Theo đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vụ án “Buôn lậu gỗ trắc" ở Quảng Trị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: “Tôi trả lời lần này là lần thứ 10 đây”.

Câu trả lời của ông Trí được nêu lên tại phiên chất vấn mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khiến dư luận không khỏi suy nghĩ về một vụ án đã xảy ra từ 12 năm trước, qua nhiều khâu xét xử vẫn chưa có được tiếng nói cuối cùng.

Và ngay ở lần trả lời thứ 10 này, bản thân người trả lời cũng cho thấy chưa thể “chốt hạ” về những nội dung liên quan đến vụ án. Và như thế rất có thể còn có lần thứ 11,12 chăng?

Cần nhắc lại đôi chút về kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc” này. Ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ gần 535,8 m³ (gỗ trắc và gỗ giáng hương) từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt để xuất sang Trung Quốc. Khi vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng) thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, khởi tố vụ án.

Từ kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc” đến Luật theo dõi thi hành pháp luật
Tang vật của một vụ án buôn lậu gỗ (Ảnh: TTXVN)

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (khi đó là C44) Bộ Công an đã khởi tố các bị can có liên quan. Trong quá trình điều tra vụ án, C44 đã bán đấu giá lô gỗ vật chứng và đây chính là điểm được coi là mấu chốt của kỳ án này. Người ra quyết định bán đấu giá này sau đó cũng bị khởi tố.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã phạt bị cáo Trương Huy Liệu (cựu Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 7 năm tù và vợ là Trần Thị Dung (cựu Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 3 năm tù cho hưởng án treo, cùng về tội buôn lậu; hai bị cáo là cựu cán bộ hải quan mỗi người chín tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc” là vụ án “2 trong 1”: Thứ nhất, vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vụ này đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Thứ hai là vụ án liên quan đến việc xử lý vật chứng trái pháp luật của cơ quan điều tra.

Vụ án thứ nhất tuy đã qua xét xử nhưng vẫn có những kiến nghị liên quan đến xét xử để tránh oan sai.

Về vụ án thứ hai này theo quan điểm của Viện Kiểm sát là đang thực hiện biện pháp tố tụng "tạm đình chỉ" chứ không có chuyện "đình chỉ".

Đã có tới 4 văn bản được gửi cho bốn cơ quan có chức năng giám định để xác định thiệt hại của vụ án này. Tuy nhiên, Hội đồng định giá tài sản của Đà Nẵng và Quảng Trị trả lời gỗ không còn loại quý hiếm, không có cơ sở định giá.

Bộ Tài chính thì trả lời rằng trả lời không thuộc thẩm quyền định giá của bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chưa có đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý theo quy định chuyên môn về hoạt động của Hội đồng định giá tài sản.

Có nghĩa là vẫn chưa thể có được tiếng nói cuối cùng về kỳ án này.

Câu chuyện về “lần trả lời thứ 10” của người đứng đầu Viện Kiểm sát tối cao cũng như những diễn tiến xung quanh vụ án buôn lậu gỗ trắc làm người ta nhớ đến một nhận xét được đưa ra hồi năm ngoái của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Theo đó vị lãnh đạo này nhìn nhận công tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động gắn với quản lý nhà nước nhưng hiện vẫn còn thiếu vắng các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

Điều này dẫn đến việc một số cơ quan trong bộ máy nhà nước tiến hành thực hiện các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả.

Đi cùng với đó là hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Việc theo dõi thi hành pháp luật là công việc của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ cơ quan nhà nước cho đến các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Với chủ thể rộng như vậy theo các chuyên gia cần thiết phải xây dựng được Luật theo dõi thi hành pháp luật. Chỉ có một đạo luật do Quốc hội ban hành thì mới thể hiện được tính chính danh của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời là cơ sở để thực hiện công tác phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước (cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp), giữa cơ quan trong bộ máy với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Và khi đó có cơ sở để dần bớt đi những kỳ án như kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc”. Và quan trọng hơn là để các cơ quan thực thi pháp luật làm đúng, làm tốt trách nhiệm của mình và có sự phối hợp để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh.

Quang Lộc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tu-ky-an-buon-lau-go-trac-den-luat-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-267204.html