Châu Thành – Sóc Trăng: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với tiêu thụ sản phẩm

10:18 | 23/05/2023 In bài biết
Những làng nghề truyền thống đã hình thành nét văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sóc Trăng: Tìm thị trường riêng cho sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc Đặc sản vú sữa tím Sóc Trăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Để bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, quy hoạch các làng nghề truyền thống như: Bánh pía, đâm cốm dẹp, đan đát, vẽ tranh trên kiếng nhằm tập trung đầu tư, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo tồn và khôi phục. Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển như đan đát, vẽ tranh trên kiếng, hướng tới hỗ trợ mở rộng thị trường đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Quy hoạch các làng nghề truyền thống theo hướng vừa sản xuất vừa phát triển du lịch, góp phần định hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Châu Thành – Sóc Trăng:  Phát triển làng nghề truyền thống gắn với tiêu thụ sản phẩm
Làm bánh pía là nghề thủ công truyền thống của huyện Châu Thành

Thứ hai, thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để các làng nghề phát triển. Trên cơ sở thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Quyết định 2276/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh Pía” xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, huyện Châu Thành đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn có tiềm năng phát triển làng nghề có chính sách thông thoáng, hỗ trợ về vốn vay, mặt bằng và thông tin để các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn dễ tiếp cận nguồn vốn, cơ chế cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế.

Nhiệm vụ của đề án là đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm bánh pía truyền thống của cộng đồng người Hoa trên địa bàn huyện Châu Thành; khảo sát, sưu tầm tổng thể nghề làm bánh pía truyền thống; quảng bá sản phẩm bánh pía truyền thống phục vụ du lịch… Tiến độ thực hiện chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn I (2022-2023) và giai đoạn II (2024-2025) với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng. Thực hiện đề án bảo tồn sẽ góp phần bảo vệ nét đặc trưng của bánh pía, giữ được những giá trị của nghề thủ công truyền thống của người Hoa ở Sóc Trăng.

Châu Thành – Sóc Trăng:  Phát triển làng nghề truyền thống gắn với tiêu thụ sản phẩm
Làng nghề đan lát Phước Quới

Thứ ba, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của các làng nghề đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng. Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống, trước hết phải thành lập các hợp tác xã. Các hợp tác xã này là cầu nối liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho bà con mà còn mở ra cơ hội để các sản phẩm của làng nghề tiếp cận và tiêu thụ tại nhiều thị trường mới.

Đơn cử tại làng nghề đan lát Phước Quới ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống đan lát tre, nứa. Phú Tân là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với gần 80% dân số đồng bào Khmer. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, đồng bào Khmer đã khôi phục và phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống. Chỉ bằng những nguyên liệu giản đơn như tre, nứa, qua đôi bàn tay khéo léo, đồng bào Khmer đã tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Thúng, rổ, rá, lồng đèn, khay đựng trầu… Nhiều sản phẩm có kiểu dáng đẹp, bắt mắt được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Để làng nghề đan lát Phước Quới phát triển ổn định, huyện Châu Thành đã hỗ trợ thành lập các hợp tác xã làng nghề, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Ngoài thu nhập ổn định, nhiều thành viên hợp tác xã còn được vay vốn ưu đãi mua nguyên liệu, thiết bị để phát triển sản xuất. Đến nay, tất cả các hộ thành viên hợp tác xã đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang; đường làng được bê tông hóa, ngõ xóm sạch đẹp.

Thứ tư, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững. Theo đó, Châu Thành xác định, phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện đã tranh thủ thu hút đầu tư đa đạng hóa các sản phẩm du lịch có lợi thế như: Du lịch tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa lễ hội và làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ,… Đồng thời, làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi pháp lý phù hợp và thông thoáng, tạo điều kiện cho du lịch có bước phát triển.

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Châu Thành đều có lịch sử phát triển lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, mang tính cộng đồng cao. Đặc biệt, xã Phú Tân tập trung nhiều làng nghề như: Đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng… góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc.

Việt Hoàng

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: trungtamdaphuongtien.bct@gmail.com

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/chau-thanh-soc-trang-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-gan-voi-tieu-thu-san-pham-255205.html