Tiết lộ lý do công ty chứng khoán đua nhau gửi tiền vào ngân hàng

15:06 | 29/04/2023 In bài biết
Kết quả kinh doanh quý I vừa qua cho thấy nhiều công ty chứng khoán đã dành lượng lớn tiền gửi vào ngân hàng trong bối cảnh thị trường chung không thuận lợi.
Nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị thận trọng Tăng trưởng lợi nhuận của công ty chứng khoán chững lại

Trong quý đầu năm, lợi nhuận của các công ty chứng khoán đã biến động đáng kể vì thị trường chung không thuận lợi. Đi sâu vào xem xét, cơ cấu doanh thu của công ty chứng khoán tới từ 3 nguồn chính là hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh.

Theo lời một môi giới lâu năm, mảng môi giới thực chất không đem lại nhiều lợi nhuận bởi hoa hồng sau khi khấu trừ hết các chi phí thì chẳng còn lại bao. Thậm chí trong bối cảnh cuộc đua zero fee - miễn phí giao dịch càng cho thấy các công ty chứng khoán chịu hy sinh khoản này để giành thị phần, hướng tới các lợi ích theo sau.

Các công ty chứng khoán chuyển hướng sang các kênh đầu tư an toàn.
Các công ty chứng khoán chuyển hướng sang các kênh đầu tư an toàn.

Vì thế cho vay margin mới là cấu phần quan trọng. Tuy nhiên tỉ lệ margin/vốn chủ sở hữu tại các công ty chứng khoán gần như đi ngang ở mức trên 60% sau quý I, mức thấp nhất trong nhiều năm. Điều này phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất dè dặt.

Như vậy, tự doanh sẽ là phần được hướng tới, nhưng thực tế các công ty chứng khoán lại không tham gia giao dịch cổ phiếu sôi động như thời gian trước đây. Không khó hiểu khi nhiều công ty lựa chọn tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi ngân hàng để duy trì khoản lợi nhuận ổn định từ các tổ chức tín dụng.

Cụ thể với Chứng khoán SSI, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng hơn 1.100 tỉ đồng lên 4.600 tỉ (chủ yếu là các khoản tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn còn dưới 1 năm). Danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) vẫn đang nằm nhiều ở chứng chỉ tiền gửi với giá trị đạt gần 18.400 tỉ đồng, tăng 13% so với đầu năm.

Chứng khoán KB gửi hơn 137 tỉ đồng vào ngân hàng, tăng mạnh 35% so với đầu năm. Danh mục FVTPL chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi từ các ngân hàng như SHB, MBB, HDBank, VietAbank… Trong khi cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ gần 5 triệu đồng.

Danh mục tài sản FVTPL của Chứng khoán BSC tăng 22% lên 1.700 tỉ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục này, đạt hơn 987 tỉ đồng, tăng 35%. Khoản đầu tư chứng chỉ tiền gửi cũng tăng gấp đôi lên mức 401 tỉ đồng. Trong khi đó, danh mục cổ phiếu niêm yết giảm gần 25% so với đầu năm còn 144 tỉ đồng.

Với VPS, dù tiền và tương đương tiền lại chuyển hóa thành tài sản tài chính FVTPL nhưng trong danh mục này chủ yếu tập trung giải ngân vào các công cụ thị trường tiền tệ, chứ không phải cổ phiếu.

Theo Báo Lao động

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tiet-lo-ly-do-cong-ty-chung-khoan-dua-nhau-gui-tien-vao-ngan-hang-252347.html