Khởi công dự án cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân tỉnh Sơn La Sơn La: Phát triển khoai sọ Thuận Châu thành sản phẩm thế mạnh |
Từ một dự án cộng đồng…
Sơn La là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư. Nhằm hỗ trợ đồng bào trồng cà phê một cách bền vững trong chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp, công ty, Tổ chức Cứu trợ, Phát triển Quốc tế (FIDR) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế từ Nhật Bản đã triển khai Dự án “Phát triển Cộng đồng cho các hộ sản xuất cà phê ở tỉnh Sơn La, Việt Nam”. Với sự hợp tác của Trường Đại học Tây Bắc, thành phố Sơn La, Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon và các công ty trong chuỗi cung ứng cà phê, dự án kỳ vọng không chỉ hỗ trợ người trồng cà phê tỉnh Sơn La tiêu thụ sản phẩm mà còn tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
![]() |
Đồng bào dân tộc tham gia lớp tập huấn dự án tại bản Ban, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn |
Dự án được triển khai từ năm 2021 - 2023 cho khoảng 4.000 hộ dân thuộc 6 xã của thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu và huyện Mai Sơn. Các hoạt động chính của dự án bao gồm: Hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ nâng cao công nghệ và kỹ năng nông nghiệp, giải pháp thị trường thúc đẩy nông nghiệp đầu vào thấp. Mục tiêu dự án hướng đến là xây dựng cà phê Sơn La đạt các tiêu chuẩn bền vững để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và ra thế giới thông qua các công ty trong chuỗi cung ứng cà phê.
Thực tế cho thấy, cà phê Sơn La đã phát triển ổn định về diện tích nhưng trình độ canh tác cà phê của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Sơn La chưa đồng đều. Vì vậy, khi tham gia dự án, đồng bào dân tộc được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và sản xuất cà phê an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường; kết nối chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ; nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sinh kế cho cộng đồng người trồng cà phê.
… đến gắn kết người dân vào chuỗi cung ứng
Cây cà phê được trồng ở Sơn La chủ yếu là giống Arabica, tập trung ở các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và TP. Sơn La. Năm 2017, vùng trồng cà phê Sơn La được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý; thành lập Hội cà phê và gắn kết người trồng cà phê với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Một số doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: HTX cà phê Bích Thao, HTX Ara-Tay Coffe Sơn La, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG (Minh Tiến Group)…
![]() |
Thu hoạch cà phê |
HTX cà phê Bích Thao là 1 trong 6 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La cho các sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Với định hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cà phê, đầu năm 2021, HTX đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cà phê quy mô gần 1.120 m², công suất 20 tấn cà phê nhân/ngày. Dây chuyền chế biến theo quy trình khép kín, gồm: Máy sát, sàng kích thước, sàng trọng lượng, máy bắn màu, máy rang, xay cà phê, có kho bảo quản, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư xây dựng 3 nhà kính và sử dụng phương pháp chế biến ướt, phơi trong nhà kính thân thiện với môi trường. Để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, HTX đã liên kết sản xuất với 800 hộ dân và thu mua ngoài liên kết với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên và Thành phố Sơn La.
Chọn mô hình liên kết sản xuất cà phê hữu cơ bền vững, Minh Tiến Group đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với sản xuất cà phê Arabica theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Mai Sơn. Từ tháng 9/2022, công ty đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với 470 hộ đồng bào thuộc 4 bản của các xã Chiềng Mai, Chiềng Ban và Nà Ớt với quy mô sản xuất 560 ha. Ngoài ra, công ty ưu tiên lựa chọn các vùng cà phê liền vùng, liền khoảnh, ít đồi dốc để tuyên truyền, vận động các hộ đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê tham gia mô hình canh tác cà phê hữu cơ với tổng quy mô 60 ha tại 3 bản: Bản Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban; bản Co Sâu, xã Chiềng Mai; bản Ớt Chả, xã Nà Ớt. Ngay sau khi ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, công ty đã tư vấn, hướng dẫn các bản hoàn tất quy trình, thủ tục để thành lập HTX tại bản. Đồng thời, hỗ trợ các hộ tham gia mô hình cây giống, phân bón và triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bà con thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất cà phê theo quy trình VietGAP.
![]() |
Khuyến khích các hộ dân tham gia mô hình canh tác cà phê hữu cơ |
Trong 3 năm ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, Minh Tiến Group cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm và có hỗ trợ giá khi cà phê trên thị trường giảm sâu. Mục tiêu năm 2023, Minh Tiến Group tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia mô hình canh tác cà phê theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh quảng bá, nhân rộng mô hình trên địa bàn; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê hữu cơ tại Mai Sơn; tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình phân bón hữu cơ vi sinh được làm từ vỏ cà phê nhằm giải quyết vấn đề môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho nông hộ.
Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với sản xuất cà phê Arabica theo tiêu chuẩn hữu cơ giữa Minh Tiến Group với các hộ dân hình thành và xây dựng chuỗi cà phê khép kín, gắn quyền lợi, nghĩa vụ của hộ sản xuất và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bao tiêu, thu mua sản phẩm. Trên cơ sở đó, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quy mô liên kết nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê nhân.
Cây cà phê Sơn La đang dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Định hướng đến năm 2030, Sơn La sẽ phát triển cây cà phê theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đầu tư thâm canh các giống cà phê mới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. |