“Hiến kế” hoàn thiện Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu 7 giải pháp trọng tâm quản lý Nhà nước về xăng dầu được Bộ Công Thương tập trung thực hiện |
Tại tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - Những vấn đề đặt ra” diễn ra ngày 12/4, một số diễn giả đã chỉ ra những giải pháp căn cơ để đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu.
![]() |
Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư kho dự trữ xăng dầu |
Dự trữ xăng dầu chỉ bảo đảm trong vòng 1 tuần
Thực tế hiện nay, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn - khoảng 6,5 ngày. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.
Với thực tế trên theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương), hệ thống dự trữ xăng dầu có vai trò quan trọng bảo đảm nguồn cung phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, đặc biệt trong biến động thị trường hoặc xảy ra các tình huống bất ngờ.
“Việc coi trọng công tác xây dựng quy hoạch hạ tầng dự trữ vừa đảm bảo vai trò, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội đối với từng thời kì. Quy hoạch cũng để định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các nhà đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống dự trữ hạ tầng xăng dầu”, - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nói.
Nêu thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải cho biết, hiện nay theo quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95 trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp phải bảo đảm lượng xăng dầu dự trữ 20 ngày, nhưng thực tế các doanh nghiệp chỉ có lượng dự trữ được 6,5 ngày. Vì không được dự trữ đầy đủ nên nhiều khi DN gặp khó khăn bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung.
“Có thời điểm các thương nhân phân phối xăng dầu muốn lấy hàng và mua hàng cũng không có nguồn vì phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối. Trong khi xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa dự trữ quốc gia, sẵn sàng có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường khi cần thiết, nên vô hình chung hiện nay việc dự trữ vẫn là nhà nước đang gửi các doanh nghiệp giữ hộ”, ông Hạnh bày tỏ.
Ông Hạnh chia sẻ, để các doanh nghiệp phân phối xăng dầu có sự đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ rất khó bởi vì để đầu tư xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu cần nguồn lực về tài chính rất lớn nhưng không ngân hàng nào dám tài trợ vốn. Do đó, nhà nước nên đầu tư dự trữ hệ thống xăng dầu để bảo đảm mạch máu của nền kinh tế.
Đưa ra những khó khăn cho đầu tư hệ thống dự trữ xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ bảo đảm trong vòng 1 tuần. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày, nên dự kiến mỗi năm nhà nước phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ.
“Qua cuộc họp của Hội đồng Quốc gia vừa rồi, để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh phải cần tới 270.000 tỷ đồng là con số rất lớn. Nếu để nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các cái chi phí khác liên quan. Do đó, cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó là phải có cả vai trò của nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp cùng các tổ chức ngoài nhà nước”, ông Hùng nêu.
Hạ tầng dự trữ xăng dầu, cung ứng đồng bộ, ổn định là yếu tố quan trọng
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, xăng dầu đã và vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, đối với mặt hàng lĩnh vực xăng dầu bên cạnh mục tiêu sớm chủ động trong khâu sản xuất trong nước thì cũng cần sớm chủ động cả trong khâu dự trữ để đáp ứng, đảm bảo cung cấp ổn định cho mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng, xăng dầu, khí đốt. Theo dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tiếp tục định hướng phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu để vừa duy trì dự trữ hiện nay, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu tiến tới đáp ứng dự trữ quốc gia khi mức dự trữ quốc gia được nâng lên theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra là đảm bảo tối thiểu 90 ngày nhập ròng.
Nêu thêm giải pháp, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu. Cụ thể, có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho. Cùng với đó, Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu trên cơ sở tham khảo từ quốc tế. Ví dụ như Nhật Bản đã ban hành 2 luật dự trữ và luật giám sát chất lượng.
Liên quan đến vấn đề vốn, bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo dự thảo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống xăng dầu, dự trữ cung ứng khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới khoảng 270.000 tỷ. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như: Nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở đánh giá dự án đó có khả thi, có khả năng trả nợ hay không mới quyết định cho vay.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện nay các ngân hàng thương mại đều đang cung cấp đủ hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp xăng dầu cũng như là cung cấp đủ nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, cần tiếp tục rà soát để có những chính sách phù hợp; Cần tăng cường thông tin tuyên truyền trong xã hội về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm được năng lực, kinh nghiệm.
"Năng lực, kinh nghiệm ở đây, theo tôi, là bao gồm sự am hiểu về dây chuyền công nghệ của dự án. Thứ hai là có kinh nghiệm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án và cũng phải bảo đảm các điều kiện năng lực tài chính để thực hiện dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng đã được phê duyệt", ông Nam lưu ý.