Những thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử |
Nhiều mặt hàng xuất khẩu thành công ra nước ngoài
Ngày 19/3, lô mía trắng tươi đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đã "khởi hành" sang thị trường Hoa Kỳ sau gần nửa năm đàm phán về điều khoản hợp đồng cũng như các yêu cầu kỹ thuật với đối tác nhập khẩu.
Chuyến container mía trắng tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có khối lượng 17,3 tấn, do Công ty Tiến Ngân trực tiếp thu mua, sơ chế, đóng gói và được Công ty Phát triển thương mại và Công nghệ sản xuất mới cùng Công ty Vina Agri Import tại Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hồ sơ giấy tờ, logistics. Đi cùng lô mía này còn có 10 máy ép nước mía. Điều này cho thấy dù sản phẩm mới bắt đầu đi từ nơi sản xuất (tỉnh Hòa Bình) nhưng đã định hình rõ về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ (Hoa Kỳ).
Đây là tin vui đối với nông sản Hòa Bình, cũng khẳng định sự nỗ lực rất lớn của địa phương đối với việc nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản của bà con. Bởi lẽ, với cây mía này, phải sau gần 6 tháng đàm phán về các điều khoản hợp đồng và các yêu cầu kỹ thuật của Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các yêu cầu kỹ thuật mới dần được tháo gỡ và được phía đối tác nhập khẩu chấp thuận.
Trước đó, từ cuối năm 2021 và trong năm 2022, Công ty Tiến Ngân đã xuất khẩu được hơn 100 tấn mía tươi sang các thị trường: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhu cầu đặt hàng của các đối tác tiếp tục được duy trì và tăng sản lượng nhập khẩu trong năm 2023.
![]() |
Bưởi Hòa Bình bày bán tại Anh |
Không chỉ sản phẩm mía mà mới đây, quả bưởi Hòa Bình cũng đã liên tục xuất khẩu ra nước ngoài. Sau bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi Diễn Yên Thủy, tháng 3 vừa qua, cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình lần đầu tiên có mặt tại thị trường Anh qua đường xuất khẩu chính ngạch, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm.
Để vào được thị trường Anh, cam Cao Phong của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình) đã phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, trong đó có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Tập đoàn Longdan (công ty nhập khẩu và phân phối hàng Việt Nam lớn nhất ở Anh) đã nhập khẩu 7 tấn cam Cao Phong. Số cam này được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan tại thủ đô London và một số thành phố khác ở Anh, đồng thời được phân phối cho các nhà bán buôn và bán lẻ các sản phẩm Việt Nam và châu Á tại Anh, nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, việc lần đầu tiên bưởi Diễn và cam Cao Phong xuất khẩu sang thị trường Anh cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam do đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất Global GAP.
Điểm sáng xuất khẩu nông sản Hòa Bình
Là một trong những địa phương miền núi, điểm mạnh của Hòa Bình là sở hữu nguồn nông sản dồi dào, có chất lượng. Những năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung vào hoạt động sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Về phía ngành Công Thương Hòa Bình, đã triển khai các giải pháp nhằm kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp, HTX thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản được quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp để tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh tại Nhật Bản.
Năm vừa qua, ngành Công Thương Hòa Bình đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại, diễn đàn, hội chợ như: Chương trình xúc tiến thương mại tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan; Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU kết nối với các Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong, ngoài tỉnh; Hội chợ quốc tế Việt - Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài...
Kết quả, trong năm 2022, toàn tỉnh đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021). Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi...) được xuất khẩu thành công ra thế giới với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92% so với năm 2021. Đến nay, toàn tỉnh có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình xác định sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ khâu sản xuất với tiêu thụ. Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn, tỉnh sẽ tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa ngày càng nhiều nông sản ra thế giới, mở rộng đầu ra, tránh tình trạng được mùa mất giá.