Lời giải nào cho bài toán chi phí để phát triển, sản xuất hydro xanh

14:30 | 09/03/2023 In bài biết
Việc phát triển, sản xuất hydro xanh tại Việt Nam mới chỉ manh nha và còn nhiều vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn là cơ chế, pháp lý và vốn đầu tư công nghệ.
Sản xuất hydro xanh tại Việt Nam: Tất yếu nhưng còn nhiều khó khăn Ninh Thuận định hướng phát triển năng lượng xanh làm đòn bẩy bứt phá

Chi phí đầu tư, sản xuất hydrogen: Bài toán khó

Là một trong những doanh nghiệp cung ứng giải pháp về năng lượng sạch hàng đầu Nhật Bản, ông Nguyễn Phúc Thanh – Giám đốc Công ty Hitachi Zosen Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội cho rằng ở Việt Nam, hiện nay việc sản xuất hydrogen xanh mới ở giai đoạn chuẩn bị và đang còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là pháp lý, cơ chế hỗ trợ và tài chính. “Các công nghệ tiên tiến sản xuất hydrogen đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, vì vậy, rất cần cơ chế hỗ trợ về tài chính”, ông Thanh nói.

Lời giải nào cho bài toán chi phí để phát triển, sản xuất hydro xanh
Chi phí để sản xuất hydrogen là một bài toán khó cần lời giải

Cùng quan điểm, theo ông Đặng Hải Anh – Vụ Dầu khí và Than, một trong những khó khăn, thách thức của sản xuất hydrogen đó là công nghệ điện phân với chi phí rất lớn, phí vận hành và bảo trì cao. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế chứng nhận Green Hydrogen; Thiếu hệ thống phục vụ cơ sở hạ tầng hydro và phát triển chuỗi cung ứng nói riêng; và thách thức về nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất hydrogen.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết chi phí để phát triển, sản xuất hydro xanh khá cao. Theo ông Vy, hydro xanh được sản xuất bằng điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện còn đắt hơn khoảng 2-3 lần so với hydro xám (hydro được tạo ra từ nguyên liệu khí, than). Ngoài ra, áp dụng công nghệ Hydro xanh cho mục đích sử dụng cuối cùng cũng có chi phí cao. Xe chạy bằng pin nhiên liệu và bình chứa hydro có giá cao hơn nhiều so với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, Việt Nam còn đang thiếu hạ tầng chuyên dụng; thiếu công nhận giá trị (chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận hydrogen xanh) và còn chưa đảm bảo được sự bền vững trong sản xuất, phát triển hydrogen.

Đâu là lời giải cho bài toán chi phí cao?

Ông Đinh Quang Tri – Tổng Giám đốc Công ty Vinapitco Group, nguyên Phó Tổng giám đốc EVN đã đưa ra kiến nghị “gỡ rối” cho bài toán về chi phí và công nhận tiêu chuẩn hydro xanh tại Việt Nam.

Lời giải nào cho bài toán chi phí để phát triển, sản xuất hydro xanh
Đinh Quang Tri – Tổng Giám đốc Công ty Vinapitco Group đề xuất thành lập mạng lưới kết nối lưới điện Việt Nam - Lào - Campuchia- Thái Lai - Singapore để tận dụng năng lượng tái tạo và hướng tới xuất khẩu năng lượng, xuất khẩu hydrogen xanh

Theo ông Tri, hydrogen xanh được tạo ra từ điện gió kết hợp điện mặt trời. Đây là lợi thế của năng lượng tái tạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về thủy điện tích năng. Vì thế, nếu kết hợp được điện gió với điện mặt trời và thủy điện tích năng sẽ tạo nên khả năng cung cấp điện 24/24 cho Việt Nam; ban ngày phát điện mặt trời, ban đêm sử dụng thủy điện tích năng. “Chúng tôi tính toán giá thành cạnh tranh khoảng 7 cent/kWh, hoặc thấp hơn nếu thu xếp được vốn. Nếu có thể xây dựng được những nhà máy như này sau này sẽ thành vĩnh cửu”, ông Tri nói về đề nghị Bộ Công Thương xem xét tăng thêm quy hoạch thủy điện tích năng kết hợp điện mặt trời.

Để tăng hiệu quả sử dụng đất, khu vực phát điện mặt trời để sản xuất hydrogen và bán điện cho EVN, bên dưới làm nông nghiệp.

Để tận dụng được năng lượng tái tạo, ông Tri kiến nghị các đơn vị chức năng cần tính đến xuất khẩu năng lượng và mua năng lượng. Ông Tri đề xuất thành lập mạng lưới kết nối lưới điện của Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore để liên kết các hệ thống điện năng lượng tái tạo mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu mở rộng được mạng lưới tiêu thụ điện ra các nước sẽ kết hợp được giữa sản xuất và tiêu thụ điện; cấp điện ổn định cho các nước nói trên. Nếu làm được điều này sẽ đẩy mạnh được đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đồng thời tận dụng được thủy điện bên Lào với chi phí thấp nhất.

“Giai đoạn 1 có thể đầu tư thủy điện tại Lào, kết hợp với điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam để bán điện cho Campuchia, Thái Lan, Singapore. Thực hiện mô hình này thì giá điện tại Việt Nam càng ngày càng rẻ, đặc biệt là điện mặt trời. Chúng ta sẽ có những lúc sẽ có điện giá 1 – 2 cent/kWh. Và với giá đó chúng ta sản xuất hydro hoàn toàn cạnh tranh”, ông Tri nói.

Lời giải nào cho bài toán chi phí để phát triển, sản xuất hydro xanh
Việt Nam đang hướng đến phát triển năng lượng sạch để trung hòa carbon

Trước mắt, khi chưa đủ khả năng sản xuất hydrogen xanh thương mại, thì có thể sản xuất hydro tại chỗ nơi cần sử dụng nhiên liệu này (ví dụ như nhà máy đạm) để thay thế cho hydro xám.

Giải quyết bài toán kiểm định, kiểm toán chứng chỉ Green Hydrogen, ông Tri cho rằng phải thiết kế được hệ thống điện cung cấp cho hệ thống điện phân hydrogen riêng biệt và tốt hơn là có hệ thống thủy điện bên Lào hỗ trợ để bảo đảm là có chứng chỉ về năng lượng xanh minh bạch, rõ ràng. Vì đấu nối điện của điện EVN thì có lẫn điện than, điện khí sẽ khó kiểm định, kiểm toán chứng chỉ Green Hydrogen.

Vũ Lê

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/loi-giai-nao-cho-bai-toan-chi-phi-de-phat-trien-san-xuat-hydro-xanh-245508.html