Mong muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội, doanh nghiệp năm 2023, do UBND tỉnh Long An vừa tổ chức, các doanh nghiệp, Hiệp hội nước ngoài đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
![]() |
Các doanh nghiệp, hiệp hội tham dự Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội, doanh nghiệp năm 2023 của tỉnh Long An |
Đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, ông Inoue Koji - Trưởng nhóm Doanh nghiệp Long An thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, có khoảng 98% công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng thêm hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam trong tương lai. Từ kết quả khảo sát này có thể thấy, Việt Nam là thị trường tăng trưởng cực kỳ quan trọng đối với các công ty Nhật Bản và có thể nói Việt Nam là quốc gia mà mọi người kỳ vọng sự tiếp tục mở rộng trong đầu tư từ bây giờ.
Theo ông Inoue Koji, trong số các địa phương mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư thì Long An nhờ lợi thế địa lý tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và có sự thấu hiểu đối với các công ty nước ngoài sẽ là tỉnh mà trong tương lai các công ty Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư nhiều nhất.
Đồng quan điểm, ông Choi Bun Do - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM) - cho biết: Sau khi Việt Nam ứng phó thành công với Covid-19, các công ty sản xuất toàn cầu một lần nữa thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, trong đó có tỉnh Long An.
![]() |
Ông Choi Bun Do - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM) |
Cần chính sách thuế và phí ổn định
Mặc dù có kế hoạch, dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam song theo các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, điều mà các doanh nghiệp mong muốn khi đến đầu tư tại khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng là vấn đề thuế và sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.
Cụ thể, ông Inoue Koji - Trưởng nhóm Doanh nghiệp Nhật Bản tại Long An cho hay, để thu hút các công ty Nhật Bản điều đầu tiên là hệ thống thuế cần phải mang tính khách quan, công bằng và hợp lý. “Việc nộp thuế là nghĩa vụ quan trọng nhất đối với người Nhật và chúng tôi nên chịu trách nhiệm cũng như tự hào về việc thực hiện các biện pháp thuế phù hợp. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp gặp vấn đề về chênh lệch trong cách hiểu trong một vài luật thuế và phát sinh việc truy thu thuế bổ sung mà doanh nghiệp không thể dự đoán được trước. Để loại bỏ sự quan ngại đó, chúng tôi đề xuất nếu có bất kỳ những thay đổi trong chính sách thu thuế đối với các công ty do thay đổi trong Luật định hay các Thông tư… cần có sự giải thích rõ ràng trước”- ông Inoue Koji nói.
Bên cạnh đó, theo ông Choi Bun Do - Chủ tịch KOCHAM, hiện chi phí xử lý nước thải công nghiệp đang bị phát sinh và doanh nghiệp mong các khu công nghiệp không tăng quá mức phí này. Đơn cử, tại một khu công nghiệp ở tỉnh Long An, phí xử lý nước thải trước đây là 7.200 đồng/m3 đã tăng khoảng 77% lên 12.790 đồng/m3 vào tháng 9/2022.
“Chi phí phát sinh của khu công nghiệp tăng quá mức là một yếu tố làm trầm trọng thêm khó khăn của các công ty đang cố gắng cắt giảm lực lượng lao động do tỷ lệ vận hành nhà máy giảm. Vì vậy, trên phương diện hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị hạn chế tăng mạnh các chi phí phát sinh như phí xử lý nước thải cũng như giá nước sinh hoạt”- ông Choi Bun Do nói.
Liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, ông Choi Bun Do cho hay, hiện chỉ có khoảng 15% các công ty toàn cầu khi đầu tư vào Việt Nam mua nguyên liệu và phụ tùng từ các công ty Việt Nam. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ mua 23% ở Thái Lan và 36% ở Ấn Độ. “Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận ra vấn đề này và đã sửa đổi/bổ sung luật quy định ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ tùng và vật liệu. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 nuôi dưỡng được 2.000 công ty có thể cung cấp linh kiện trực tiếp cho các công ty lắp ráp và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Điều này được cho là đang mang lại những lợi ích cho ngành công nghiệp phụ tùng và vật liệu như giảm thuế doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, và các khoản vay tín dụng ưu đãi”- ông Choi Bun Do kỳ vọng.
Trước những vấn đề các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, giải quyết kịp thời. Đối với những kiến nghị, đề xuất về những giải pháp, chính sách thực hiện, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tiếp thu, chọn lọc, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để áp dụng. Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, đề nghị tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.