Giải “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp Ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho doanh nghiệp |
Doanh nghiệp vẫn đang khát vốn
Thực tế, sau hơn 2 năm chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nhất là chính sách giãn, giảm thuế, giãn, hoãn các khoản nợ, đảm bảo nguồn vốn... cũng đã góp phần tích cực để các doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh |
Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước triển khai rất chậm, chưa mang lại hiệu quả cao... Ứng phó với những khó khăn này ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng đã triển khai áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng cho khách hàng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… cũng đã được triển khai áp dụng rộng rãi.
Theo ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và nhỏ - VPBank, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ có những khó khăn nhất định. Điều này xuất phát từ hai cái yếu tố, yếu tố thứ nhất là yếu tố về mặt thị trường, sẽ tiếp tục hướng đến câu chuyện về mặt lãi suất, kiềm chế lạm phát và chính sách về “room” tín dụng. Yếu tố thứ hai là khó khăn nội tại của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như là thiếu tài sản thế chấp, chưa có sự chuẩn chỉ về mặt quản trị điều hành, quy mô nhỏ. Đây cũng là một yếu tố gây ra khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong lúc chờ đợi sự phục hồi của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì các doanh nghiệp đã rất kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách tín dụng để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tăng trưởng sản xuất kinh doanh.
Mong đợi các gói hỗ trợ tín dụng phát huy hiệu quả
Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong năm 2023, việc tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất hợp lý và được có sự điều chỉnh, căn cứ vào điều việc hành vĩ mô của Chính phủ, Quốc hội, thì không hẳn quá khó khăn mà quan trọng nhất các điều kiện của các doanh nghiệp để có thể đáp ứng các thủ tục, các điều kiện đối với hệ thống ngân hàng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai - Châu Minh Nguyện cho hay, trong năm vừa qua, “room” tín dụng luôn là vấn đề nóng vì ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp, nhất là các gói hỗ trợ lãi suất. Trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ- CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại… Trong năm 2023, hy vọng sẽ tiếp tục có các gói hỗ trợ tín dụng để doanh nghệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai cho rằng, từ phía doanh nghiệp, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp cần phải có sự tính toán cẩn trọng về việc sử dụng vốn trong tương lai. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải đúng ngành nghề cũng như là lĩnh vực cốt lõi của mình. Các doanh nghiệp cần phải có sự tính toán cẩn trọng về dòng tiền trong tương lai khi vay được vốn. Về phía ngân hàng cần tìm những nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế với những đặc điểm mang tính chất ưu đãi hơn so với thị trường, để cung ứng vốn ra nền kinh tế với chi phí thấp nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, về phía các ngân hàng trong năm nay sẽ cần cải thiện thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ thủ tục nhanh hơn, dịch vụ tiện ích hơn, điều chỉnh giảm phí… để giảm chi phí giao dịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. "Hiện nay một số ngân hàng đang cố gắng chủ động giữ ổn định lãi suất, giảm phí đối với một số doanh nghiệp thuộc chương trình bình ổn… Chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay sẽ tạo sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho chính mỗi tổ chức tín dụng"- ông Lệnh cho biết.