Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận vốn còn khó
Hội nghị do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội, Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm kết nối các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp cận gần hơn với khối ngân hàng trong trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
![]() |
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chủ trì hội nghị |
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá: Đây là một hoạt động thiết thực nhằm kết nối, tạo điều kiện để các ngân hàng, các quỹ giới thiệu các chương trình, các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, chủ đầu tư các cụm công nghiệp... được tìm hiểu thông tin, tháo gỡ khó khăn về vốn, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo.
Nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau Covid-19, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định 1358/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 về việc ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 trong đó lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại dịch vụ thuộc ngành công thương.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn có cơ hội tiếp cận nguồn vay ưu đãi phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá, một số chính sách trong chương trình phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp tỷ lệ giải ngân còn thấp, tình hình xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu đề ra, chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết, việc tiếp cận của doanh nghiệp với các chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
![]() |
Đại diện Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) cho rằng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội còn gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay |
Tại hội nghị, đại diện Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) - cho biết: Hiện các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội đang gặp khó khăn về nhiều chính sách như chính sách thuê đất, thuế, ưu đãi thuế… Chính vì thế, HAMI mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, HAMI cũng là cầu nối, cung cấp chia sẻ thông tin để cung cấp hồ sơ vay vốn cho các đơn vị trong Hội được dễ dàng. Tuy nhiên hiện nay công tác vay vốn và các thủ tục cho vay còn khó và nhiều doanh nghiệp vẫn còn “loay hoay” trong công tác tiếp cận nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Vân - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) - cho biết: sau một thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid, hiện doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đang rất cần nguồn vốn đề tiềm lực tài chính mua nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu. Chính vì thế ông Vân đề xuất các tổ chức ngân hàng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và cho vay xem xét mức lãi suất tốt, thời hạn cho vay dài. Ông Vân phân tích “Thường các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải mất thời gian dài từ 3 đến 5 năm để sản xuất và kinh doanh có lãi. Đơn cử như một đơn vị trong HANSIBA khi làm việc về cung ứng linh phụ kiện cho hãng Toyota phải đến năm 2025 mới xong thủ tục thẩm định và tham gia vào chuỗi được.
Bên cạnh đó, ông Vân cũng đề nghị các ngân hàng ngoài thủ tục cho vay thế chấp, nên “nới” thêm hình thức cho vay tín chấp vì nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cứ “cởi áo vest ra là hết tiền”. Bởi không như các doanh nghiệp khác như khối bất động sản, cứ có dự án là có tiền. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần có thêm hình thức cho vay tín chấp với những hợp đồng lớn bằng hình thức “bảo lãnh 3 bên”.
Bà Nguyễn Thạnh Vinh - đại diện chủ đầu tư cụm công nghiệp Thanh Văn - Tân ước trình bày: Hiện cụm công nghiệp Thanh Văn – Tân Ước đã có 43 nhà đầu tư vào đây với số vốn rất lớn. Các nhà đầu tư đã góp vốn hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai hạ tầng cụm công nghiệp. Nhưng hiện tại thu hút các dự án vào rất khó bởi nhiều nhà đầu tư còn đang phân vân có vay được vốn ngân hàng hay không. Chính vì thế, cụm công nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nếu không vay được vốn ngân hàng. Từ thực tế này, bà Vân kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện để chủ đầu tư cụm công nghiệp vay được vốn.
Đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn
Ông Hồ Văn Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch - cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ dành cho các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trên địa bàn Hà Nội cũng chiếm trên 30%. Hiện Vietcombank cũng nghiên cứu trên tinh thần đồng hành với Kế hoạch 267/KH-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về việc thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố. Thống nhất ưu tiên zoom tín dụng cho công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, bên cạnh ưu tiên zoom tín dụng, Vietcombank còn ban hành thêm nhiều ưu đãi, lãi suất kinh doanh tài lộc, lãi suất thỏa thuận, lãi suất đặc biệt ưu đãi cho vay trung dài hạn, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với một số doanh nghiệp trong nhóm.
Ông Nguyễn Trọng Tĩnh - Giám đốc Trung tâm kênh bán và phân phối Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) - cho biết, thực tế trong quá trình giải quyết các hồ sơ cho vay, MSB cũng gặp khó khăn đặc biệt là công tác minh bạch khi kê khai tài chính trong gói vay tín chấp đối với các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm chủ lực. Chính vì thể, ông Tĩnh cũng đề nghị thời gian tới, các hội và hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra một môi trường minh bạch để ngân hàng có thể tiếp cận dễ hơn. Phía ngân hàng cũng đang cố gắng giảm lãi suất và giữ mức lãi suất như hiện tại để hỗ trợ các đơn vị.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định: Hiện nhiều các ngân hàng vẫn còn zoom tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc hướng dẫn xây dựng đề án phát triển sản xuất để vay được nguồn vốn hoặc những tài sản để tín chấp thế chấp như thế nào; khả năng tài chính công khai minh bạch của các đơn vị ra sao để đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng là còn vướng hiện nay. Để các doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể tiếp cận được với ngân hàng là hết sức khó khăn, do đó thông qua kênh là hội, hiệp hội, các ngân hàng sẽ truyền tải được toàn bộ thông tin về các quy định, yêu cầu, thủ tục đối với các doanh nghiệp cần vay vốn. Từ đó, các hội, hiệp hội sẽ truyền thông và hướng dẫn, tư vấn chi tiết, cụ thể cho các doanh nghiệp trong nhóm của mình để có thể xây dựng các đề án vay vốn dễ dàng hơn.
Riêng về phát triển, đầu tư các khu, cụm công nghiệp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, nguồn vốn để đầu tư khu công nghiệp là rất lớn. Hiện thành phố mới có 104 cụm công nghiệp được thành lập. Trong năm nay và nhưng năm tiếp theo, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập thêm 30 cụm công nghiệp nữa. Chính vì thế, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ ngay từ đầu về vốn để các doanh nghiệp có định hướng đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này.
Bà Lan cũng cho rằng, trong thời gian tới, để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, hồ sơ làm đề án vay cần đơn giản hóa để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận được. Thời gian cho vay cần dài, nới các điều kiện để doanh nghiệp có thể vay được tín chấp bên canh cho vay thế chấp.