![]() | EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế Hà Lan-Việt Nam |
![]() | Doanh nghiệp Việt tiếp cận tích cực hơn những lợi ích của Hiệp định EVFTA |
Đầu tư từ EU vào Việt Nam gia tăng
Hiện Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp đăng ký lũy kế đến tháng 8/2022 đạt 27,6 tỷ USD. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô vốn trung bình của các dự án nhà đầu tư EU đầu tư tại Việt Nam đạt 12 triệu USD/dự án, đang có xu hướng tăng và là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có EVFTA.
![]() |
Hiện EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam |
Cũng theo nhận định của ông Nguyễn Anh Dương, EVFTA là chất xúc tác khiến tình hình thu hút đầu tư diễn biến tương đối tích cực, đầu tư đăng ký mới từ khu vực EU vào Việt Nam cũng đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Sự gia tăng này thể hiện không chỉ ở tổng số vốn mà còn thể hiện được quy mô trung bình của các dự án.
Bên cạnh đó, nguồn vốn bổ sung từ phía EU không phải chỉ từ vốn đầu tư mà nó còn có hỗ trợ từ kênh Chính phủ với Chính phủ, tức là Liên minh châu Âu và các Chính phủ của các nước thành viên EU cũng đã có những hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng giúp Việt Nam nâng cao năng lực đáp ứng được những tiêu chuẩn cả về thương mại, đầu tư mà phía EU cần.
Đặc biệt, việc thực hiện hiệp định EVFTA gắn với bối cảnh phải xử lý tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Việt Nam gặp những vấn đề khó khăn về các đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ tư từ giữa năm 2021, nhưng Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài rất tích cực trong việc đối thoại với các cơ quan Chính phủ, chia sẻ những sáng kiến, những đề nghị có tính chất xây dựng để Việt Nam, từ đó có những cân nhắc mạnh mẽ hơn đối với việc chuyển đổi cách tiếp cận từ phòng, chống dịch từ đó linh hoạt và kiểm soát dịch Covid-19 một cách bền vững hơn.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, quá trình hợp tác thu hút FDI từ EU không phải chỉ đơn giản là từ phía doanh nghiệp với doanh nghiệp mà từ Chính phủ với Chính phủ mà kể cả từ Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những sự chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn để từ đó hai bên có những hiểu biết hơn, tạo dựng được một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bền vững và dễ tiên liệu ở Việt Nam.
![]() |
Thương mại Việt Nam - EU có sự chuyển biến rõ nét |
Thương mại chuyển biến rõ nét
Bên cạnh tác động trong thu hút đầu tư, thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho thấy, hơn 2 năm thực thi EVFTA, ngoài tác động và kỳ vọng về thu hút FDI từ EU, thương mại có chuyển biến rõ nét hơn cả. EVFTA đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực này.
Trong năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD (xuất khẩu 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2020). 11 tháng 2022 đạt 57,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang EU 43,5 tỷ USD, tăng 21%, nhập khẩu 14 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu 29,5 tỷ USD, vượt mức xuất siêu cả năm ngoái khoảng 6,3 tỷ USD.
Nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua có tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu từ khu vực châu Âu. Nhóm sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Bên cạnh đó nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt tỷ trọng trên 18%.
Từ kết quả khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp cũng như trao đổi với các doanh nghiệp trong quá trình thực thi EVFTA, Bộ Công thương cho rằng, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước châu Âu và những thiết bị máy móc này, những nguồn nguyên liệu này để phục vụ cho chính quá trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, áp lực với Việt Nam trong thời gian tới là cần đẩy nhanh thực thi EVFTA trên nhiều phương diện, nhất là sức ép cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được thực thi “tốc độ” hơn để hút dòng vốn từ EU. Những lợi thế mà EVFTA mang lại cho Việt Nam chỉ mang tính ngắn hạn khi các đối thủ trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang tích cực đàm phán FTA với EU, đồng thời EU cũng đang hướng tới một FTA chung trong khu vực ASEAN. Chưa kể, FDI của EU vào Việt Nam thời gian tới cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh bởi chính sách thương mại mới của EU, khi dành ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh.
Theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thu hút FDI từ EU vào các dự án xanh, Việt Nam cần tạo dựng khung chính sách phù hợp với nhà đầu tư EU để họ mang vốn tới Việt Nam, tiến tới tạo được một hệ sinh thái cho hoạt động của doanh nghiệp, của nhà nhà đầu tư EU.