Hiệp định EVFTA tạo xung lực quan trọng cho thương mại Việt Nam - Bỉ

14:28 | 15/12/2022 In bài biết
Việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo xung lực quan trọng cho thương mại Việt Nam - Bỉ.
EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư Việt Nam - EU theo hướng tích cực EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư Việt Nam - EU theo hướng tích cực
Thị trường Tây Ban Nha: Nhiều triển vọng xuất khẩu nhờ EVFTA Thị trường Tây Ban Nha: Nhiều triển vọng xuất khẩu nhờ EVFTA

Triển khai hiệu quả EVFTA

Thương mại Việt Nam - Bỉ đang có bước tiến lớn, riêng 10 tháng đầu năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,068 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Trong đó, tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác.

Hiệp định EVFTA tạo xung lực quan trọng cho thương mại Việt Nam - Bỉ
Xuất khẩu sang Bỉ còn nhiều dư địa

Về đầu tư FDI của Bỉ vào Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư sang Bỉ 4 dự án với tổng vốn đầu tư 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho biết, hai nước đang tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bỉ cũng là nước sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Những yếu tố này đã tạo xung lực quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU cũng như giữa hai nước Việt Nam - Bỉ về kinh tế và chiến lược.

Đề cập đến các tác động đối với hợp tác thương mại giữa hai nước, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, năm 2021, lợi thế từ FTA còn đang được khai thác vì lúc này ưu đãi về thuế quan phổ cập (GSP) vẫn còn hiệu lực và doanh nghiệp EU vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ GSP.

Ngoài ra, khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa khai thác lợi thế từ FTA mà vẫn sử dụng GSP vì sự quen thuộc (nhất là đối với những nhóm hàng có giảm thuế năm đầu thấp hơn mức giảm của GSP).

Trong thương mại giữa Việt Nam và EU trước đây, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho biết thêm, một phần lớn được cung ứng từ Vương quốc Anh hoặc cung ứng đến Anh. Hiện tại Anh rời EU, các doanh nghiệp không thể tiếp tục cách phân phối sản phẩm như trước, đã có nhiều doanh nghiệp chấp nhận không hưởng ưu đãi từ Việt Nam – UKFTA để đưa hàng từ EU vào Anh. Như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiến lược thương mại của các doanh nghiệp này.

Đối với lĩnh vực nông sản, ngoài phần nông sản đông lạnh được nhập tương đối nhiều như tôm, cá thì các sản phẩm trái cây, rau gia vị, gạo vẫn còn khiêm tốn. Mỗi thị trường nhập nhỏ lẻ nên chi phí tương đối cao, rất khó để xuất khẩu bền vững và vì vậy, hiện tại nhóm mặt hàng này vẫn chủ yếu phục vụ người Việt Nam. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo quản, mẫu mã và dư lượng các chất vẫn là vấn đề cần quan tâm với hàng rau quả, gạo.

Còn với các mặt hàng rau quả, gạo muốn xuất khẩu tốt vào EU thì cần tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan từ công tác xử lý bảo quản đồ tươi, đến việc quản lý số mặt hàng được xuất khẩu, doanh nghiệp được xuất khẩu và đặc biệt cần liên kết các doanh nghiệp nhập khẩu người Việt để đảm bảo hiệu quả quy mô kinh tế, giúp giảm giá thành sản phẩm.

Đáp ứng yêu cầu từ thị trường

Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện EVFTA, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ lưu ý, EU sẽ đẩy mạnh việc thực thi các hiệp định thương mại, ngăn ngừa và xóa bỏ các rào cản thương mại. Do vậy, để có thể tận dụng FTA chúng ta phải đáp ứng sự quan tâm của EU trên cơ sở có đi có lại và nhất là các vấn đề phát triển bền vững, mở cửa thị trường Việt Nam. “Chúng ta có FTA với EU trước nhiều nước, đây là lợi thế của ta, nhưng nếu không quan tâm đầy đủ, EU sẽ tìm được nhiều đối tác thay thế”- Thương vụ khuyến nghị.

Trong thương mại với EU ngoài việc hưởng các ưu đãi thì cũng phải quan tâm đến vấn đề đấu tranh. Khi mà vấn đề thuế không còn là rào cản, thì các biện pháp khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động, CO2 sẽ là các rào cản thay thế. Về vệ sinh an toàn thực phẩm, mặc dù EU luôn nói vì sức khỏe nên kiểm soát rất chặt hàng nhập khẩu.

Mặt khác, thị trường EU ngày càng liên kết, cơ hội thương mại ngày càng nhiều thì yêu cầu các hoạt động thương mại phải có tinh liên kết cao hơn. Cụ thể, liên kết trong các nhà nhập khẩu, liên kết trong thương mại với logistics, liên kết trong xúc tiến quảng bá và liên kết hoạt động của các Thương vụ.

Trước các yêu cầu từ thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho hay, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần tổ chức định kỳ các chương trình xúc tiến thương mại với hoạt động đến từng vùng.

Được biết, thời gian qua Thương vụ Bỉ và EU đã thành công với các chương trình Vietnamese Road Show (đến từng vùng để giới thiệu Việt Nam và cơ hội từ EVFTA), Meet and Greet (kết nối doanh nghiệp Bỉ với từng địa phương của Việt Nam), tuần lễ ẩm thực - tuần hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ nhấn mạnh, với tính liên kết thị trường tại EU, các hoạt động xúc tiến trọng điểm của nhà nước cần tổ chức quảng bá rộng rãi và đồng bộ tại nhiều nước để tạo ra hiệu ứng lan tỏa tại EU.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ đặc biệt lưu ý tới doanh nghiệp, để đảm bảo tương lai, các doanh nghiệp cũng cần phải trao đổi với đối tác về chiến lược thương mại bền vững của họ, áp dụng sản xuất tuần hoàn, bền vững, gia tăng năng lượng tái tạo. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp về xu hướng mới, sản xuất thân thiện môi trường, cân bằng carbon. Một số doanh nghiệp EU cũng đang cho rằng đối tác có sử dụng hàm lượng năng lượng tái tạo nhiều hơn sẽ có lợi thế hơn khi tiếp cận EU nhất là khi EU đẩy mạnh cân bằng carbon.

Đối với các mặt hàng rau quả tươi trọng điểm, gạo muốn xuất khẩu tốt vào EU thì cần tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan từ công tác xử lý bảo quản đồ tươi, đến việc quản lý số mặt hàng được xuất khẩu, doanh nghiệp được xuất khẩu và đặc biệt cần liên kết các doanh nghiệp nhập khẩu của người Việt để đảm bảo hiệu quả quy mô kinh tế, giúp giảm giá thành sản phẩm.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ khuyến nghị, khi tham gia hội chợ, xúc tiến tại một địa bàn, doanh nghiệp cần liên hệ với Thương vụ của các nước xung quanh để xem xét khả năng sang các nước xung quanh cùng quảng bá, kết nối, tăng cường hiệu quả của chuyến công tác.
Bảo Thoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/hiep-dinh-evfta-tao-xung-luc-quan-trong-cho-thuong-mai-viet-nam-bi-233530.html