2 tháng đầu năm ngành dệt may xuất khẩu 3,4 tỷ USD giá trị
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2015 ngành dệt may đạt 3,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2013. Các thị trường truyền thống của ngành như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn chiếm ưu thế về tỷ trọng xuất khẩu.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này của dệt may Việt Nam chủ yếu là do doanh nghiệp trong ngành đã không ngừng nỗ lực đầu tư cho công nghệ sản xuất, chuyển dần sang phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng đã dành nguồn lực không nhỏ đầu tư cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, vấn đề sống còn của ngành dệt may vẫn là thị trường. Nhiều năm nữa ngành vẫn phải phụ thuộc vào xuất khẩu do vậy phát triển thị trường là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đức Giang- chia sẻ, đánh bắt xa bờ cá sẽ nhiều hơn vì vậy công tác thị trường luôn Đức Giang quan tâm theo sát. Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại ra nước ngoài nhằm tìm kiếm thị trường mới. Thành lập hệ thống thiết kế cung ứng để làm FOB, ODM và liên tục cho ra mẫu thiết kế theo xu hướng của thị trường.
Đặc biệt, trung tuần tháng 2 vừa qua, Tổng Công ty Đức Giang đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn quốc tế Luen Thai, Hồng Kông đánh dấu bước khởi động của doanh nghiệp trong chiến lược hội nhập sâu thị trường dệt may thế giới và đón đầu cơ hội của Việt Nam trước khi các Hiệp định thương mại tự do được thực thi.
Có thể nói, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam 2 tháng đầu năm tăng trưởng 2 con số là sự hội tụ của những nỗ lực và cơ hội. Thế nhưng, sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch tại các thị trường nhỏ của ngành mới là con số biết nói. Ngay trong tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Chile đã tăng 312,75%; Philippines tăng 116,42%, Senegal 3,16%... Điều này chứng tỏ, cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường này là rất lớn. Đây cũng là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp dệt may đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính.