Giá duy trì ở mức cao, xuất khẩu cao su của Việt Nam thu về 3,18 tỷ USD Tháng 1/2025, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng 32% Xuất khẩu tăng mạnh, giá cao su cán mốc lịch sử mới |
Giá cao su xuất khẩu tăng gần 31%
Trong quý I/2025, giá cao su của Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2022. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.857 USD/tấn, tăng tới 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng này xuất hiện rõ nét ngay từ đầu năm: tháng 1 và tháng 2, giá xuất khẩu cao su lần lượt tăng 25% và 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, đà tăng này có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam bắt đầu điều chỉnh chính sách mua vào, khiến nhu cầu giảm nhẹ.
![]() |
15 ngày đầu tháng 4/2025, giá cao su xuất khẩu bình quân tăng gần 31%, đạt 1.931 USD/tấn. Ảnh minh hoạ |
Sang tháng 4, thị trường bất ngờ quay đầu giảm mạnh, sau khi Mỹ công bố các biện pháp thuế mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Tác động lan rộng sang thị trường nguyên liệu cao su.
Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 4/2025, nước ta xuất khẩu 31.224 tấn cao su, trị giá 62 triệu USD. Dù sản lượng giảm 22,2% và kim ngạch giảm 2,8% so với cùng kỳ 2024 song giá xuất khẩu bình quân lại tăng gần 31%, đạt 1.931 USD/tấn.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4/2025, tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt 413.965 tấn, tương đương 799,4 triệu USD. So với cùng kỳ 2024, sản lượng giảm 8,9% nhưng giá trị kim ngạch tăng 19,1% một lần nữa khẳng định vai trò quyết định của giá bán trong bối cảnh thị trường còn biến động.
Khu vực châu Á tiếp tục là thị trường tiêu thụ chủ lực của ngành cao su Việt Nam. Tính đến hết quý I/2025, xuất khẩu cao su sang khu vực này đạt 341.260 tấn, tương đương 654,36 triệu USD, chiếm 86,8% tổng kim ngạch ngành cao su. Dù sản lượng xuất sang châu Á giảm 5,8%, nhưng kim ngạch vẫn tăng mạnh 24,6%, nhờ giá bán cải thiện.
Thống kê cho thấy 5 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2025 đều thuộc khu vực châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc.
Giá mủ cao su phục hồi nhẹ
Tại thị trường tỉnh Tây Ninh, một trong những vùng trọng điểm cao su tiểu điền, giá thu mua mủ cao su trong những ngày gần đây đã có tín hiệu phục hồi nhẹ.
Giá mủ nguyên liệu thu mua (trả sau 10 ngày) hiện dao động quanh mức 392 đồng/độ TSC. Với loại mủ chén, mủ đông có hàm lượng DRC từ 60% trở lên, giá thu mua đạt từ 14.000–16.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này tăng khoảng 100 đồng/độ TSC và tăng từ 3.000 – 4.000 đồng/kg với mủ tạp.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành cao su được kỳ vọng vượt 11 tỷ USD, bao gồm: Cao su thiên nhiên: khoảng 3,5 tỷ USD; Sản phẩm cao su: khoảng 5 tỷ USD; Gỗ cao su: khoảng 2,5 tỷ USD…
Dù phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia các cường quốc cao su trong khu vực Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh nhờ chuỗi giá trị đồng bộ, khả năng cung ứng ổn định và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, giá cao su vẫn đang chịu áp lực lớn từ biến động của chính sách thương mại quốc tế. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các biện pháp thuế mới từ phía Mỹ, nhất là đối với ô tô nhập khẩu, cộng với giá dầu thô giảm và lo ngại căng thẳng thương mại, đang khiến thị trường cao su thế giới gặp khó.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm sáng. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới đang cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, GDP quý I/2025 của nước này tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), triển vọng giá cao su trong năm 2025 vẫn tích cực. Mức giá trung bình được dự báo dao động từ 1.750 – 2.000 USD/tấn, tùy thuộc vào cung – cầu và tình hình kinh tế vĩ mô. Nếu Trung Quốc thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng ô tô, xe điện và hỗ trợ công nghiệp như kế hoạch, nhu cầu nhập khẩu cao su có thể tăng đột biến vào quý III – IV/2025.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng cao su toàn cầu. Với kế hoạch mở rộng sản xuất xe điện và xe hybrid, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt là cao su phục vụ sản xuất lốp xe, vẫn rất lớn. |