Facebook 'khai tử' video livestream sau 30 ngày, người dùng hoang mang Bật mí cách Facebook giữ chân người dùng mạng xã hội Tập đoàn vàng bạc Phú Quý cảnh báo lừa đảo giả mạo trên Facebook |
Mất tiền oan chỉ vì một cú nhấp chuột!
Mùa hè đến cũng là lúc nhu cầu đi lại, du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để nhiều đối tượng lừa đảo nở rộ hoạt động trên mạng xã hội với các chiêu trò tinh vi, nhắm vào sự chủ quan và tâm lý “sợ lỡ mất cơ hội” của người tiêu dùng.
Không ít nạn nhân đã sập bẫy khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay qua các fanpage giả mạo có hình thức chuyên nghiệp, thậm chí gắn dấu tích xanh, dấu hiệu thường được nhiều người tin tưởng là “chính chủ”. Những fanpage này thường xuyên đăng ảnh du lịch đẹp mắt, tổ chức “minigame trúng thưởng”, quảng bá khuyến mãi hấp dẫn với mức giá “siêu rẻ”, nhưng lại yêu cầu khách phải chuyển khoản cọc trước để giữ chỗ vì “chỉ còn 1-2 phòng trống”.
![]() |
Nhiều người mất tiền vì tin fanpage có tích xanh, đặt phòng, mua vé máy bay, combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội. Ảnh minh họa |
Chị Nguyễn Thị Thanh (phố Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội), cho biết: “Hè năm ngoái, tôi từng là nạn nhân của vụ lừa đảo du lịch, tôi thấy fanpage đó có tích xanh, ảnh khách sạn giống y như trên Google nên không chút nghi ngờ. Họ tư vấn rất nhiệt tình, gửi cả hóa đơn cọc bằng file PDF nên tôi nghĩ là thật. Sau khi chuyển 5 triệu đồng, họ lặng im luôn, nhắn tin không ai trả lời nữa”.
Không chỉ riêng chị Thanh, đầu tháng 2 vừa qua, một nữ du khách tên V.T.H. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã mất gần một tỷ đồng sau khi đặt phòng nghỉ tại một resort nổi tiếng ở Ninh Bình thông qua fanpage giả. Sau khi chuyển tiền giữ phòng, người này liên tục bị yêu cầu chuyển lại tiền vì “lỗi hệ thống hoàn trả”. Khi phát hiện sự việc là lừa đảo, nạn nhân đã mất toàn bộ liên lạc với phía bên kia.
Một fanpage có tích xanh không có nghĩa là an toàn. Thậm chí hiện nay có cả chợ đen chuyên rao bán các tài khoản tích xanh cũ không còn sử dụng, sau đó đổi tên thành tên khách sạn, hãng hàng không để lừa người tiêu dùng. Tích xanh đã không còn là bảo chứng tuyệt đối về tính xác thực.
“Hành vi lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi nhờ khả năng thao túng tâm lý. Chúng luôn tạo cảm giác cấp bách, thúc giục giao dịch nhanh, đánh vào tâm lý sợ mất suất, mất vé. Đặc biệt, nhiều đối tượng còn giả danh nhân viên tư vấn bằng gọi video, gửi âm thanh giống tổng đài, tạo niềm tin tuyệt đối cho người mua”, chị Thanh chia sẻ thêm.
Lòng tin dễ bị thao túng trong không gian mạng
Không chỉ dừng lại ở việc lừa đặt phòng, chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ cũng là một hình thức phổ biến được kẻ gian áp dụng trong các dịp cao điểm du lịch. Nhiều website, fanpage giả mạo các hãng bay lớn hoặc đại lý chính hãng, chào giá rẻ hơn thị trường 30–50% nhưng yêu cầu khách hàng chuyển tiền ngay để “giữ chỗ”.
Khi người dùng chuyển tiền, kẻ gian có thể gửi mã đặt chỗ giả, hoặc hứa gửi sau “ít phút nữa” rồi cắt đứt liên lạc. Nạn nhân chỉ phát hiện bị lừa khi đến sân bay làm thủ tục và được thông báo mã vé không tồn tại.
Anh Phạm Văn Cường (Mỗ Lao, Hà Đông), người từng suýt trở thành nạn nhân, chia sẻ: “Tôi được bạn bè chia sẻ một trang fanpage bán vé máy bay đi Phú Quốc giá rẻ. Tôi suýt chuyển khoản nhưng may có người thân cảnh báo nên tôi tra kỹ lại thì phát hiện tên fanpage chỉ mới đổi cách đây vài ngày, không có bài viết nào trước đó”.
![]() |
Chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ cũng là một hình thức phổ biến được kẻ gian áp dụng trong các dịp cao điểm du lịch. Ảnh minh họa |
Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn khi không yêu cầu chuyển khoản trực tiếp mà hướng dẫn người dùng nhập mã trên ứng dụng ngân hàng, thực chất là lệnh chuyển tiền. Nhiều người vì vội vã làm theo, không đọc kỹ nội dung giao dịch nên bị mất tiền.
Mạng xã hội hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát các fanpage giả mạo. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen xác minh kỹ thông tin trước khi giao dịch, lại dễ tin vào những hình ảnh, lời mời chào có vẻ chuyên nghiệp, thân thiện.
Vì vậy, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo người dân tuyệt đối không chuyển tiền cho tài khoản cá nhân hoặc tổ chức không rõ ràng. Trước khi giao dịch cần xác minh kỹ thông tin qua các kênh chính thức như website doanh nghiệp, tổng đài hotline, hoặc gọi điện trực tiếp tới lễ tân khách sạn để xác nhận. Ngoài ra, người dân nên ưu tiên đặt vé, đặt phòng qua các nền tảng uy tín như Agoda, Traveloka, Booking.com hoặc website chính thức của các hãng bay, tránh đặt qua fanpage không được xác thực.
Trong một thế giới số hóa đầy tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự cảnh giác và hiểu biết là điều cần thiết để mỗi người trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Những giọt nước mắt vì mất tiền tích cóp cả năm cho một chuyến du lịch mơ ước sẽ không còn nếu mỗi cú click chuột đều được đặt sau sự kiểm tra cẩn trọng và tỉnh táo. |