Xuất khẩu hạt điều 11 tháng năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Mỹ tăng 31,7% Đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU |
Ngành điều Việt Nam giảm lượng, tăng giá
Theo thống kê của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 122,17 nghìn tấn, trị giá 839,06 triệu USD, giảm 19% về lượng, nhưng tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, nhờ giá tăng mạnh. Mặc dù sản lượng sụt giảm, nhưng quý I/2025, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ở mức 6.868 USD/tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là tín hiệu cho thấy sự điều chỉnh của thị trường quốc tế, trong đó nhu cầu tiêu dùng ổn định nhưng nguồn cung bị siết lại, đẩy giá lên cao. Sự sụt giảm về lượng cũng phản ánh những thách thức trong chuỗi cung ứng, sản lượng nguyên liệu và năng lực chế biến của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
![]() |
Mặc dù lượng điều xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá tăng ngành điều Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch và kỳ vọng cán mốc 4,5 tỷ USD năm nay. Ảnh: Vinacas |
Mặc dù quý I/2025 ghi nhận lượng xuất khẩu giảm mạnh, giới chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành tin rằng hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi trong các quý tiếp theo nhờ mùa vụ mới bắt đầu và nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Giá trung bình xuất khẩu hạt điều sang thị trường lớn tăng mạnh
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang một số thị trường lớn cũng giảm đặc biệt là Trung Quốc trong quý I/2025 giảm 25,6% về lượng và giảm 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, xuống còn 17,4 nghìn tấn, trị giá 109,5 triệu USD, chiếm 14,3% về lượng và 13% về trị giá trong tổng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Ngược lại, xuất khẩu điều sang một số thị trường khác như Hà Lan và Nhật Bản trong quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng, phản ánh sự chuyển hướng đa dạng hóa thị trường bước đầu có hiệu quả.
Quý I/2025, giá trung bình xuất khẩu hạt điều sang tất cả các thị trường xuất khẩu lớn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024, với mức tăng 12,8 – 37,9%. Một phần nguyên nhân đến từ biến động sản lượng vụ điều toàn cầu, đặc biệt là tại châu Phi – nơi cung ứng nguyên liệu thô lớn nhưng năm nay gặp bất lợi về khí hậu và logistics.
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), các chuyên gia dự báo sản lượng điều toàn cầu năm 2025 sẽ tăng từ 10 - 15%, tổng sản lượng toàn cầu có thể đạt gần 6 triệu tấn. Tuy nhiên, do sản lượng tăng, giá hạt điều thô tại châu Phi đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, giá hạt điều nhân trên thị trường thế giới vẫn chưa ổn định, đặc biệt là từ tháng 5 trở đi. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội vã mua hạt điều thô khi giá vẫn còn cao. Thay vào đó, họ nên đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố thị trường và chỉ mua khi giá hạt điều thô hợp lý, để đảm bảo lợi nhuận trong quá trình sản xuất và thương mại.
Ngành điều Việt Nam đang tiếp tục vững bước trên con đường tăng trưởng, với những dự báo tích cực về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và điều chỉnh chiến lược mua bán phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh trong năm 2025.
Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD. Để hiện thực hóa, ngành cần tập trung vào 3 trụ cột: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu còn phức tạp, việc chủ động nắm bắt thông tin thị trường, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và đầu tư vào chế biến sâu sẽ là yếu tố sống còn. Việc duy trì vị thế số 1 tại các thị trường lớn như châu Âu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngành điều phải tăng tốc chuyển đổi số, minh bạch truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh thương hiệu quốc gia. |