Thương lái ráo riết gom hàng đưa sang Trung Quốc, giá sầu riêng cao kỷ lục Giá sầu riêng đầu vụ tăng cao, nông dân Đắk Lắk vừa mừng vừa lo Giá sầu riêng nghịch vụ tăng nhẹ trở lại |
Thị trường sầu riêng Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động khi giá tại vườn giảm mạnh, xuất khẩu đình trệ, đặc biệt từ thị trường chủ lực Trung Quốc.
Tại các khu vực chuyên canh sầu riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Cần Thơ hay Bến Tre, giá thu mua Ri6 tại vườn chỉ còn 35.000-40.000 đồng một kg mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, giảm tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sầu riêng Monthong (Thái) cũng giảm sâu, dao động 60.000 đến 70.000 đồng một kg. Mức giá này bằng khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều vựa đã ngưng hoạt động, số còn lại chỉ thu mua nhỏ giọt để phục vụ thị trường nội địa.
Theo khảo sát, tháng trước, sầu riêng Thái loại A đóng hàng tại kho có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg, Ri 6 loại A có giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Hàng loại A có giá cao hơn loại B trung bình 20.000 đồng/kg.
![]() |
Sầu riêng Ri6 tại vườn xuống 35.000-40.000 đồng/kg, bằng một phần ba so với cùng kỳ 2024. |
Theo chia sẻ của nhiều nông dân và thương lái lâu năm tại miền Tây, năm ngoái mỗi ngày họ gom tới 30 tấn sầu riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ tháng 3 năm nay, đơn hàng xuất khẩu đột ngột dừng lại, khiến họ chỉ còn thu mua khoảng 3-4 tấn Ri6 mỗi ngày phục vụ cho thị trường trong nước.
Các thương lái ở miền Tây cũng tạm dừng thu mua vì không dám mạo hiểm: Chi phí thu hái, vận chuyển, thuê kho lạnh đội lên cao, trong khi giá mua tại kho chỉ cao hơn tại vườn khoảng 10.000 đồng/kg khiến thương lái gần như không có lời.
Theo các doanh nghiệp, trước đây, thủ tục thông quan chỉ mất 1-2 ngày, giờ kéo dài cả tuần, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và thời hạn bảo quản trái cây tươi. Tại các địa phương, nhà chức trách cũng khuyến khích nông dân chủ động kiểm nghiệm từ vườn trước khi thu hoạch. Việc đảm bảo an toàn từ gốc sẽ giúp giảm rủi ro trong khâu kiểm định cuối cùng. Cục Bảo vệ Thực vật hiện đã chỉ đạo tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Những đơn vị không đáp ứng quy định về dư lượng thuốc, kim loại nặng hay truy xuất nguồn gốc sẽ bị dừng mã số xuất khẩu - điều kiện tiên quyết để giữ chỗ đứng cho trái cây Việt trên thị trường quốc tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 52,7 triệu USD, giảm 69% so với cùng kỳ. Riêng kim ngạch từ thị trường Trung Quốc – vốn chiếm phần lớn doanh thu đã giảm đến 83%, chỉ còn 27 triệu USD. Từ vị trí dẫn đầu, sầu riêng tụt xuống hạng ba sau thanh long và chuối.
Trong khi năm 2024, sầu riêng từng lập kỷ lục với 3,3 tỷ USD chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước thì hiện tại, mục tiêu 3,5 tỷ USD năm 2025 đang có nguy cơ không đạt.