Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 157.000 tài khoản trong tháng 3/2025, tăng nhẹ so với tháng 2 trước đó và là mức cao nhất trong vòng 6 tháng.
Tài khoản mở mới trong tháng 3 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên số lượng tài khoản mở mới của tổ chức cũng tăng mạnh.
Tính đến cuối tháng 3, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 9,62 triệu đơn vị tương đương khoảng 9,6% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Con số này cao hơn 156.001 đơn vị so với thời điểm cuối tháng 2. Mức tăng số lượng tài khoản trong tháng 3 nhỉnh hơn 4% so với tháng 2, và cao nhất trong 5 tháng.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước hiện đạt 18.028 đơn vị, tăng 188 đơn vị - gấp ba lần với tháng 2 (61 đơn vị).
![]() |
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 157.000 tài khoản trong tháng 3/2025. Ảnh minh hoạ |
Về nhà đầu tư nước ngoài, số lượng tài khoản tại cuối tháng 3 là 48.259 đơn vị, tăng 191 đơn vị so với cuối tháng 2. Mức tăng này cao hơn so với tháng 2 (tăng 128 đơn vị). Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chiếm 43.604 đơn vị và tổ chức nước ngoài 4.655 tài khoản.
Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối quý I đạt 9,69 triệu đơn vị.
Số lượng tài khoản tiếp tục gia tăng trở lại khi thị trường bước qua khỏi giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời đó là việc VN-Index tiến lên 1.300 điểm cùng thanh khoản cải thiện cũng tạo tâm lý tích cực hơn cho những nhà đầu tư mới.
Tài khoản mởi mới tiếp tục tăng góp phần đẩy thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE trong tháng 8 đạt hơn 18.000 tỷ, tăng gần 27% so với tháng 2 trước đó và là mức cao nhất kể từ giữa năm 2024. Xu hướng tiếp tục được duy trì trong những ngày đầu tháng 4 khi thị trường rơi sâu kích thích cầu bắt đáy.
Thanh khoản tăng vọt nhưng thị trường không thể bứt phá mạnh trong tháng 3, VN-Index gần như đi ngang so với cuối tháng 2 trước khi rơi mạnh. Tính từ đầu tháng 4, chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 174 điểm (-13,32%) qua đó lùi xuống mức 1.132 điểm, thấp nhất trong vòng 15 tháng, kể từ tháng 1/2024.
Theo báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, VN-Index đóng cửa tại 1.305,36 điểm, tăng 0,11% so với cuối tháng trước.
Giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE đạt 18.085 tỷ đồng/phiên, tăng 26,7% so với tháng 2. HNX-Index đạt 235,06 điểm (-1,73% so với tháng trước) và UPCoM-Index đạt 98,05 điểm (-1,54% so với tháng trước), với giá trị khớp lệnh bình quân trên HNX đạt 663 tỷ đồng (-26,9% MoM) và trên UpCOM đạt 1.012 tỷ đồng (+5,1% MoM).
Trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng với tổng giá trị 9.851 tỷ đồng thông qua khớp lệnh và thỏa thuận, tập trung chủ yếu ở công nghệ (FPT: -3.980 tỷ đồng), ngân hàng (TPB: -1.577 tỷ đồng) và tiêu dùng (VNM: -798 tỷ đồng).
Trái ngược với động thái của khối ngoại, dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là cá nhân, tiếp tục gia tăng là động lực chính của thị trường.