Quảng Nam là trung tâm công nghiệp dược liệu trọng điểm Trồng ươi xen quế Trà My: Mô hình xen canh hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị |
Quế được mùa, giá ổn định
Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng gần 13.000 ha quế, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Ngoài ra, quế còn được trồng ở một số địa phương khác như Phước Sơn, Tiên Phước, Đông Giang…
![]() |
Người dân thu hoạch quế Trà My |
Mỗi năm, người trồng quế thu hoạch 2 vụ. Vụ đầu từ giữa tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm; một vụ còn lại vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân trồng quế và các thương lái thu mua, vụ thu hoạch quế đầu (từ giữa tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch) là vụ thu hoạch chính. Trong khoảng thời gian này, thời tiết nắng đẹp, vỏ quế dễ lột và lượng tinh dầu nhiều, chất lượng tinh dầu tốt hơn.
Những ngày này, ngay khi nắng lên, các hộ đồng bào Ca Dong, Mơ Nông ở huyện Nam Trà My bắt đầu vào rừng quế để thu hoạch. Để lột vỏ quế, người trồng sẽ hạ cả cây. Sau đó sẽ lột vỏ quế ở phần thân cây đầu tiên – đây thường là phần chứa nhiều tinh dầu nhất và cũng có giá trị cao nhất. Các phần còn lại như nhánh, ngọn, vỏ quế bị gãy cũng được thu gom để bán với giá rẻ hơn; lá quế cũng được tận dụng để làm bột hương quế.
![]() |
Sau mỗi vụ quế, người dân thu về trên dưới 200 triệu đồng |
Năm nay, người trồng quế Trà My phấn khởi vì được mùa, thương lái thu mua tận nơi với giá ổn định. Ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn xã có hơn 900 hộ dân trồng quế với tổng diện tích quế gần 1.000 ha.
Hiện trên địa bàn xã Trà Dơn chưa có nhà máy thu mua, giá thu mua cũng tùy theo thỏa thuận giữa người dân và thương lái. Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã dần hướng đến trồng quế bền vững hơn, tức là không thu hoạch sớm mà chỉ thu hoạch những cây quế đã đủ tuổi (15 – 20 năm) để có giá thu mua tốt hơn và ổn định hơn.
Vùng quế chất lượng nhưng đầu tư chế biến sâu vẫn còn bỏ ngỏ
Là thương lái thu mua quế trên địa bàn huyện Nam Trà My, bà Vũ Thị Quỳnh Như (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, quế Trà My nổi tiếng với hàm lượng tinh dầu lớn nên rất được các công ty ưu tiên khi thu mua nguyên liệu. Giá thu mua đối với quế tươi là từ 12.000 – 30.000 đồng/kg, hoặc 70.000 – 80.000 đồng/kg quế khô. “Mỗi vụ quế tôi thu mua khoảng 15 – 20 tấn quế khô. Vì chưa có điều kiện mở nhà máy sản xuất, chế biến nên mình bán thô cho thương lái hoặc các công ty chế biến sâu”, bà Như thông tin.
![]() |
Quế Trà My trước khi ra thị trường sẽ được người dân sơ chế, làm sạch phần rêu, mốc... |
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến, Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Hương Quế (Đà Nẵng), thông qua các đầu nậu, mỗi năm công ty thu mua khoảng 34 tấn vỏ quế nguyên tại các xã Trà Mai, Trà Len, Trà Dơn (huyện Nam Trà My). “Quế Trà My nổi tiếng là thơm, lượng tinh dầu nhiều nên các sản phẩm làm từ quế Trà My rất được khách hàng ưa chuộng. Nhờ thương hiệu có sẵn nên giá quế Trà My tương đối ổn định ở mức cao. Trong đó, quế 20 năm tuổi, lượng tinh dầu cao được chúng tôi thu mua lên tới 420.000 đồng/kg”, ông Sơn cho hay.
Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, quế là một trong các loại cây dược liệu chủ lực được trồng với diện tích lớn (bên cạnh sâm Ngọc Linh) trên địa bàn huyện Nam Trà My và Bắc Trà My; là “cây thoát nghèo” cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Riêng trên địa bàn huyện Nam Trà My, tổng diện tích trồng quế là hơn 10.000 ha. Hướng tới phát triển bền vững nguồn nguyên liệu, hiện nay, người trồng quế đã không còn tình trạng khai thác ồ ạt, bán cả vườn mà khai thác theo độ tuổi quế, có thỏa thuận nguồn nguyên liệu với đầu nậu, công ty thu mua. Điều này vừa tạo được nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty chế biến các sản phẩm từ quế, đồng thời cũng tạo sinh kế bền vững cho người dân.
![]() |
Hiện nay, quế Trà My mới chủ yếu bán theo dạng thô (vỏ quế tươi hoặc thô) nên giá trị gia tăng chưa cao |
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Nam Trà My cũng cho biết, mặc dù có diện tích trồng quế lớn, nhưng trên thực tế, trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhà máy chế biến sâu về quế mà chủ yếu là thương lái thu mua.
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, huyện cố gắng thu hút đầu tư chế biến sâu quế Trà My nhưng còn gặp khó khăn. “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 463/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Tôi kỳ vọng với các chính sách nổi bật để hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam sẽ đủ sức hút thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động thu mua, chế biến sâu quế Trà My”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng nói.
Quế Trà My (Quảng Nam) đang vào vụ chính với sản lượng cao, giá thu mua ổn định, được thương lái và doanh nghiệp ưa chuộng nhờ hàm lượng tinh dầu lớn. Dù vậy, địa phương vẫn thiếu nhà máy chế biến sâu, nông dân vẫn bán thô. Chính quyền kỳ vọng đề án phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam sẽ thu hút đầu tư, tạo đầu ra bền vững cho người trồng quế. |