Xu hướng việc làm sau thông tin sáp nhập tỉnh Lịch sử hình thành, sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Bà Rịa - Vũng Tàu làm gì để tăng trưởng kinh tế 10%? |
Quy mô nền kinh tế khoảng 417.306 tỷ đồng
Với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tận dụng hiệu quả các thuận lợi từ bối cảnh trong nước và quốc tế, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các tiềm năng kinh tế biển, cảng biển quốc tế, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch xanh ngày càng được khai thác phát huy.
Khép lại năm 2024 bức tranh kinh tế trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi và phát triển rất tích cực với kết quả ấn tượng khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm gần đây.
![]() |
Trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baria-vungtau.dcs.vn |
Xét về cơ cấu kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,92% trong tổng GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,63%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 27,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 10,13%.
Năm 2024 GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ước là 460,63 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện là 96.164 tỷ đồng, đạt 108,54% so với dự toán và tăng 7,47% so với năm trước. Trong đó, thu dầu thô ước tính 33.800 tỷ đồng; Thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19.500 tỷ đồng; Thu nội địa ước đạt 42.864 tỷ đồng; Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 4.050 tỷ đồng.
Quy mô kinh tế của tỉnh hiện đạt khoảng 417.306 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng quy mô kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng, với tổng vốn khoảng 2,013 tỷ USD và 42.013,6 tỷ đồng, gấp khoảng 2,1 lần năm 2023. Thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp được đẩy mạnh; tỷ lệ lấp đầy trên 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 63,65%; tỷ lệ lấp đầy trung bình của 11/16 cụm công nghiệp đạt 40,97%.
Sở hữu cảng nước sâu hàng đầu Việt Nam
Đánh giá về năng lực cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển cho biết, cụm cảng này hiện đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cụm cảng nước sâu hàng đầu của cả nước, gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Á.
![]() |
Một góc Cảng Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: seaproperty.vn |
Tại đây, hiện có nhiều hãng tàu, nhà khai thác cảng biển hàng đầu thế giới trong các liên doanh khai thác cảng. Đến nay đã có 48 tuyến container vào Cái Mép - Thị Vải, trong đó: 34 tuyến quốc tế và 14 tuyến nội địa. Các bến cảng container tại Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất. Các bến tổng hợp tại khu vực Thị Vải đã tiếp nhận được tàu tổng hợp đến 100.000DWT; khu bến chuyên dùng tại Cái Mép tiếp nhận tàu LNG trọng tải 92.713DWT (chở 70.000T LNG); khu bến container tại Cái Mép tiếp nhận tàu container trọng tải đến 232.494 DWT.
Tháng 6/2024, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tiếp tục khẳng định vị thế khi được xướng tên ở vị trí thứ 7 thế giới theo Chỉ số CPPI (chỉ số hoạt động cảng container), do Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence công bố. Đáng chú ý, Cái Mép - Thị Vải còn đạt hạng 8 theo cách tính kỹ thuật-vượt qua các “ông lớn” như Yokohama (Nhật Bản), Hồng Kông và Singapore.
Đây là bước nhảy vọt ấn tượng, khi Cái Mép-Thị Vải tăng 5 bậc so với năm 2023 (xếp hạng 12). Bên cạnh hiệu suất hoạt động xuất sắc, cụm cảng này còn đạt sản lượng hàng hóa vượt trội với hơn 4 triệu TEU thông qua mỗi năm, củng cố vị thế trung tâm logistics khu vực.
Mạng lưới an sinh xã hội phủ rộng
Một trong năm quan điểm, định hướng lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025 đó là: "Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, lấy mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là minh chứng cho sự tận tâm, trách nhiệm của cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, củng cố niềm tin và phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết và quyền làm chủ của Nhân dân".
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu quan điểm, định hướng trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/12/2021 về “nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Ngày 17/7, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết 11/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo, học sinh và học viên trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí công lập theo quy định của HĐND tỉnh cho từng cấp học. Học sinh ngoài công lập cũng được hỗ trợ bằng mức hỗ trợ học sinh công lập. Thời gian hỗ trợ theo số tháng học tập thực tế tại các cơ sở giáo dục nhưng tối đa không quá 9 tháng/năm học.
Trước đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ 100% mức học phí công lập cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. Đến năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước miễn học phí cho các bậc học từ mầm non tới phổ thông.
Cũng tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người từ đủ 65 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh. Theo nghị quyết, người từ đủ 65 tuổi trở lên, có đăng ký thường trú và đang sinh sống thực tế, thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 17 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó, có 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%. 4 khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Mỹ Xuân B1-Conac, khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, khu công nghiệp Vạn Thương và khu công nghiệp HD. |