Bánh trung thu ‘handmade’: Lo ngại từ những nguyên liệu ‘rởm’ Thanh Hóa: Tiêu hủy 1,8 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc Thế giới hàng Nhật nội địa Gyomu bán hàng không tem nhãn phụ tiếng Việt |
Muốn biết thông tin sản phẩm phải dịch được chữ nước ngoài
Đó là thực trạng đang diễn ra tại siêu thị ăn vặt Mlem Mlem địa chỉ số 52 Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội và cửa hàng LOOKLOOK Đồng giá 19k địa chỉ 713 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Muốn biết được hạn sử dụng, người mua phải dịch được chữ nước ngoài.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, siêu thị ăn vặt Mlem Mlem được khai trương cuối năm 2024. Trên mạng xã hội, siêu thị này được giới thiệu "có hàng ngàn món ăn vặt nội địa Trung, Nhật, Hàn, Thái với mức giá siêu rẻ". Theo ghi nhận của phóng viên, siêu thị rộng hàng trăm m2, nằm trên một vị trí đắc địa của đường Đội Cấn.
![]() |
Siêu thị ăn vặt Mlem Mlem.(Ảnh: Kim Cúc) |
Đúng như quảng cáo, siêu thị có hàng ngàn đồ ăn vặt với đủ các thể loại. Thế nhưng nhiều sản phẩm tại đây như: Bánh, kẹo dẻo, chân gà cay… lại không có tem nhãn phụ tiếng Việt gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn và tìm hiểu thông tin về sản phẩm; điều này cũng khiến cho nhiều người tiêu dùng nghi ngờ về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm.
![]() |
Một sản phẩm đồ ăn vặt không có thông tin bằng tiếng Việt. (Ảnh: Kim Cúc) |
Đặc biệt đối với các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống, người tiêu dùng rất quan tâm đến hạn sử dụng. Bởi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng khi mua thực phẩm tại siêu thị ăn vặt Mlem Mlem, người tiêu dùng rất khó khăn trong việc tìm ra hạn sử dụng.
![]() |
Nhiều sản phẩm là thực phẩm bày bán trong siêu thị ăn vặt Mlem Mlem không có tem nhãn phụ tiếng Việt. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương ngày 18/3 tại đây cho thấy, nhiều sản phẩm là đồ ăn nhanh như: Chân gà cay, bánh ngọt, mì ăn liền, cá cơm, việt quất sấy dẻo… đều chỉ có chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt.
![]() |
Người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn và tìm hiểu thông tin về sản phẩm. (Ảnh: Kim Cúc) |
Trên một số sản phẩm, người tiêu dùng chỉ có thể nhìn thấy thông tin ngày sản xuất. Cầm một sản phẩm thắc mắc về vấn đề này, chúng tôi được một nhân viên siêu thị giải thích: “Trên sản phẩm có in ngày sản xuất, hạn sử dụng là 120 ngày kể từ ngày sản xuất, nhưng thông tin này được viết bằng tiếng nước ngoài nên anh có thể dùng điện thoại để dịch sang tiếng Việt”.
Chị N.P.C ở Cầu Giấy, Hà Nội - một khách mua hàng cho biết: “Nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt nên tôi toàn nhìn vào bao bì để đoán tên sản phẩm, muốn mua cái gì đều phải gọi nhân viên lại để hỏi rõ thông tin, rất bất tiện…”.
Tình trạng trên cũng đang diễn ra tại một cửa hàng khác trên địa bàn quận Ba Đình là LOOKLOOK Đồng giá 19k địa chỉ 713 Hoàng Hoa Thám. Đây là một cửa hàng nằm trong chuỗi hệ thống Siêu thị đồng giá Look Look với hàng chục cửa hàng trên khắp cả nước.
![]() |
Cửa hàng LOOKLOOK Đồng giá 19k địa chỉ 713 Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Tại đây, phóng viên ghi nhận có nhiều sản phẩm là hàng nhập khẩu nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt hoặc có nhưng không đầy đủ thông tin. Khi thắc mắc về một sản phẩm bánh ngọt tại sao chỉ có ngày sản xuất mà không có thông tin hạn sử dụng thì phóng viên cũng nhận được câu trả lời từ nhân viên bán hàng tương tự như tại siêu thị Mlem Mlem: “Trên sản phẩm có in ngày sản xuất, hạn sử dụng là 120 ngày kể từ ngày sản xuất, nhưng thông tin này được viết bằng tiếng nước ngoài nên anh có thể dùng điện thoại để dịch sang tiếng Việt”.
Vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP
Trong khi đó, tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 cũng quy định rất rõ, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ngày 14 tháng 4 năm 2017 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP, ngày 09 tháng 12 năm 2022 quy định về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022 nêu rõ: Đối với hàng hóa là thực phẩm quy định về nhãn hàng hóa như sau: Định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản…
Như vậy, việc bán hàng của 2 siêu thị nêu trên đang không đúng với các quy định của pháp luật và gây ra không ít khó khăn cho người tiêu dùng. Vấn đề trên cần phải được các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng; trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm… |