Dồn lực xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp Xây dựng, hoàn thiện chính sách quan trọng cho ngành công nghiệp Phát triển công nghiệp Đông Nam Bộ trong kỷ nguyên vươn mình |
Ngày 19/3, Bộ Công Thương đã họp Ban chỉ đạo về 2 dự án trung tâm phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ 2 trung tâm này trong thời gian sớm nhất.
Cải thiện năng lực sản xuất công nghiệp
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện Bộ Công Thương đang đẩy nhanh xây dựng 2 trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam. Các trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.
![]() |
Sản xuất tại Nhà máy VinFast ở Hải Phòng. Ảnh: TT |
Cụ thể, các trung tâm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công, tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.
“Việc triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phát triển công nghiệp cấp vùng tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải thiện kỹ thuật sản xuất và kết nối giao thương. Quan trọng hơn là hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp”- Cục Công nghiệp cho biết và nêu cụ thể, hoạt động của các trung tâm chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương trong cả nước về cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL.
Cùng với đó, triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp về kỹ thuật, nhân lực, quản trị kinh doanh, làm chủ và đổi mới máy móc, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp.
Các dịch vụ hỗ trợ này, song song với công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp xuyên suốt toàn quy trình hoạt động, từ khi khởi nghiệp kinh doanh tới khi đi vào thực tiễn sản xuất, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
Khuyến khích phát triển các trung tâm phát triển công nghiệp
Bên cạnh việc hỗ trợ, Cục Công nghiệp đang tập trung hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghiệp cũng như phối hợp với các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và xúc tiến kết nối phát triển công nghiệp, trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng, công bố, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.
Cục Công nghiệp lý giải, mỗi khu công nghiệp tại các miền của Việt Nam sẽ định hình một thế mạnh từ lợi thế vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư…Theo đó, việc xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp công nghiệp (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ về nội dung này một chuyên trong ngành ô tô cho rằng, đối với Việt Nam có thể hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.
Đơn cử như TP. Hải Phòng là một trong những địa phương chiến lược về công nghiệp và dịch vụ của khu vực phía Bắc. Đặc biệt là Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, nơi đang thu hút và sẽ tiếp tục đón nhận nhiều nhà đầu tư công nghệ cao từ các quốc gia phát triển.
Với TP. Hải Phòng, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Hải Phòng trình Chính phủ xem xét chủ trương thành lập Trung tâm hỗ trợ công nghiệp thứ ba, hoặc mở rộng trung tâm hiện có tại khu vực phía Bắc. Trung tâm này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đồng thời hỗ trợ phát triển các cơ chế chính sách, huy động nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương để đầu tư và phát triển trung tâm này.
Hiện Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp FDI lớn trong việc phát triển các nhà cung cấp nội địa. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành cùng với các địa phương để xây dựng những chính sách thu hút đầu tư vào các địa phương. Đặc biệt việc xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam để chung tay cùng với các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.
Việc triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp cấp vùng tạo các vùng kinh tế trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải thiện kỹ thuật sản xuất và kết nối giao thương. Quan trọng hơn là hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. |