Doanh nghiệp Đà Nẵng chủ động cải thiện sản xuất sạch hơn Tín dụng xanh: Động lực cho tăng trưởng bền vững Đề xuất 47 loại hình dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh |
Doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận tín dụng xanh
Chuyển đổi xanh, sản xuất sạch đang dần trở thành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu vào nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ. Ngày càng có nhiều tiêu chuẩn cứng liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) hay truy vết dấu chân carbon đối với các hàng hóa. Điều này đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng trong việc chủ động thích ứng để giữ vững và nâng cao thị phần.
Tại TP. Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư cho chuyển đổi xanh để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn cho tín dụng xanh còn khó khăn, hầu như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được.
![]() |
Chuyển đổi xanh, sản xuất sạch đang dần được tiêu chuẩn hóa đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ |
Ông Nguyễn Ngọc Bình – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các thị trường xuất khẩu có những biến động khó lường. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may đang rất quan ngại về tác động chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với các nước nhập khẩu, trong đó có dệt may Việt Nam. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho hoạt động chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh. “Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang tích cực thực hiện các chương trình đầu tư cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cụ thể tại Hòa Thọ, yêu cầu đặt ra đối với Tổng Công ty là xây dựng các dự án, nhà máy thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để đáp ứng xu hướng của thị trường xuất khẩu”, ông Bình thông tin và nói thêm “Chúng tôi đang biết đến các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang có các gói ưu đãi cho tín dụng xanh. Tuy nhiên, cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận dược nguồn vốn này thì cần được làm rõ hơn”.
Theo bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung, TP. Đà Nẵng có chủ trương và hành động hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp có sự đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sử dụng công nghệ cao trong sản xuất – kinh doanh,…Các chính sách này của TP. Đà Nẵng rất kịp thời và phù hợp với chiến lược nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. “Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng có chính sách cho vay tương ứng với các chủ trương này để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu”, bà Mỵ kiến nghị.
![]() |
Các doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung còn gặp khó trong tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số |
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển tín dụng xanh
Chia sẻ với Báo Công Thương về vấn đề cơ chế, chính sách, nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ – Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh. Theo ông Vũ, qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp cho biết rất quan tâm đến vấn đề này. "Bên cạnh sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận các nguồn lực, chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường; sản phẩm đưa ra đáp ứng được các tiêu chí tại các thị trường xuất khẩu, nhất là tín chỉ carbon, tín chỉ năng lượng”, ông Vũ nói.
Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 9 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP. Đà Nẵng mới đây, ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 cho biết, việc thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon còn nhiều khó khăn do hành lang pháp lý cho tín dụng xanh còn chưa được hoàn thiện; việc đầu tư trong các ngành, lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn thiện dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là từ huy động ngắn hạn....
![]() |
Cần thiết sớm có cơ chế, quy định cụ thể liên quan đến các lĩnh vực xanh để thuận lợi thúc đẩy tín dụng xanh, tài chính xanh |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 cho biết trong năm 2025, ngành ngân hàng sẽ cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung vốn, nguồn lực để tài trợ cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, thúc đẩy thực hiện cam kết COP-26.
Song song với đó, ngành ngân hàng cũng đề xuất sớm hoàn thiện hàng lang pháp lý cho tín dụng xanh. “Chính phủ cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý về các ngành, lĩnh vực xanh, tạo tiền đề cho ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh”, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 Lê Anh Xuân kiến nghị.
Doanh nghiệp sản xuất hiện còn khó tiếp cận các nguồn tài chính xanh, tín dụng xanh. Một trong các nguyên nhân lớn là do hành lang pháp lý cho các ngành, lĩnh vực xanh cũng như tín dụng xanh chưa hoàn thiện. |