Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới Nghị quyết 57 mở đường cho kỷ nguyên mới của đất nước Khẳng định bản lĩnh nông dân Việt Nam trong kỷ nguyên mới |
Lãng phí có thể bỏ lỡ thời cơ phát triển
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Thể chế hóa các chủ trương đó thành luật, pháp lệnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo và tổ chức thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, đem lại cho đất nước ta cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế to lớn như ngày nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
![]() |
Xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh minh họa: Văn Hoàng |
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm.
Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức... Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức. 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy cồng kềnh, đồ sộ đang là gánh nặng của ngân sách Nhà nước. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để...
Đất nước chưa có tích lũy dư giả nhưng từ chi tiêu đến mua sắm, lễ lạt, hội hè, đình đám, ma chay, cưới xin còn hoang phí, tốn kém. Tình trạng lãng phí xảy ra phổ biến và được coi như điều bình thường. Từ đó, làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội và bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử rất lớn để từng bước hiện thực hóa giấc mơ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng vào năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và 100 năm thành lập nước vào năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Nhưng rõ ràng chặng đường khó khăn đang ở phía trước và đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn và sẽ rất khó thực hiện mục tiêu nếu chúng ta không có những bộ óc kỹ trị điều hành quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực của đất nước.
Thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt công cuộc phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí vì lợi ích bản thân, gia đình, xã hội, lợi ích quốc gia dân tộc và trách nhiệm với tương lai. Từ đó, công tác phòng, chống lãng phí càng đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Tổng Bí thư đã chỉ rõ 4 giải pháp trọng tâm phòng, chống lãng phí:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.
Ở một nước chưa phải là phát triển như nước ta, nếu không tiết kiệm thì không thể nói đến tích lũy để trở nên giàu có. Kêu gọi ý thức tiết kiệm phải trở thành ý thức tự giác, trở thành một yếu tố văn hóa: Văn hóa tiết kiệm. Xây dựng ý thức và lối sống tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một nếp sống thường nhật của mọi người để tiết kiệm, không lãng phí trở thành những hành vi, thói quen, tính cách chuẩn mực của đạo đức văn hóa. |