Áp lực nguồn cung hồ tiêu sẽ kéo dài? Indonesia là thị trường cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu ngoại khối lớn nhất cho EU |
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), năm 2024, Mỹ là quốc gia nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với tổng cộng 97.974 tấn, trị giá 540,45 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và 66% về trị giá so với năm 2023.
Về nguồn cung, quốc gia này đã nhập khẩu hồ tiêu từ hơn 50 thị trường khác nhau trên thế giới năm 2024, trong đó, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất, chiếm 77,2% về lượng và 76,8% về trị giá, đạt 75.602 tấn, trị giá 403,5 triệu USD, tăng 41,7% về lượng và tăng 72,3% về trị giá so với năm 2023.
Tương tự, nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ từ một số thị trường lớn khác cũng tăng mạnh ở mức hai con số so với năm 2023 như: Ấn Độ đạt 7.750 tấn, tăng 19,4%; Indonesia đạt 7.708 tấn, tăng 110,2%...
![]() |
Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ đạt 75.602 tấn, trị giá 403,5 triệu USD, tăng 41,7% về lượng và tăng 72,3% về trị giá so với năm 2023. Ảnh minh hoạ |
Năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Mỹ đạt 5.338 USD/tấn, tăng 21,6% so với năm 2023; từ Ấn Độ đạt 5.500 USD/tấn, tăng 11,2%; riêng giá nhập khẩu từ Indonesia giảm 7,8%, xuống còn 5.444 USD/tấn.
Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) diễn ra vào giữa tháng 1 năm nay, ông Hồ Trí Nhuận, Giám đốc Công ty TNHH Gohan, cho biết năm 2024 nhu cầu hồ tiêu của Mỹ dự báo chỉ tăng 5% nhưng thực tế do lo ngại giá tăng cao nên các nhà nhập khẩu tích cực mua vào dự trữ, tăng mua đến 30 - 40%. Nông dân và các đơn vị dự trữ hồ tiêu từ đầu vụ bán được giá cao, có lợi nhuận tốt.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp khác bán sớm theo hợp đồng giao xa của khách hàng Mỹ, khi đến hạn giao hàng giá tiêu tăng vọt dẫn đến thua lỗ. Đây là bài học về đánh giá thị trường và Mỹ thường ký hợp đồng giao xa, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán trước, mua sau, đến kỳ giao hàng giá tăng cao dẫn đến lỗ.
Về nhu cầu thị trường năm 2025, Trung Quốc được cho là sẽ tăng mua ngay khi Việt Nam vào vụ thu hoạch chính vào tháng 3 – 4/2025, trong khi Mỹ có thể mua chậm hơn do trữ lượng tồn kho từ năm 2024 nhiều. Hồ tiêu Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ sản xuất hồ tiêu khác.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo, sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2025 sẽ tiếp tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định. Đây là là động lực tạo đà cho xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam năm nay.
Với giá xuất khẩu hạt tiêu hiện nay đã tăng 68% so với cùng kỳ năm trước, VPSA nhận định xuất khẩu hạt tiêu năm 2025 sẽ rất thuận lợi, dự báo sẽ vươn đến con số giá trị kỷ lục mới, nhiều khả năng sẽ thiết lập được mốc kỷ lục 1,5 tỷ USD.
Theo VPSA, ngành hồ tiêu Việt Nam đang chuyển từ tăng trưởng diện tích sang nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu. Hiện giá tiêu đang cao, nên nhiều gia đình mạnh dạn đổ vốn chăm sóc vườn tiêu hiện hữu và trồng mới lại phần diện tích đã già cỗi, kém năng suất. |