Thủ tướng: Phải chú trọng đào tạo nghề để có nguồn lao động chất lượng cao Nhà nước và doanh nghiệp chung tay tạo nguồn lao động chất lượng "Chìa khóa" nào để thu hút và giữ chân người lao động? |
Liên kết giữa cơ sở đào tạo nguồn lao động và doanh nghiệp còn hạn chế
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong những năm gần đây trong nhóm ngành kỹ thuật đã có những chuyển biến, nhưng còn rất sơ khai.
Trong các liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp phần lớn còn khá đơn điệu và mang tính danh nghĩa, diễn ra dưới các dạng: Doanh nghiệp cần tuyển lao động, cần nhà trường giới thiệu lao động; nhà trường quan hệ với doanh nghiệp chủ yếu để huy động tài trợ kinh phí, tạo nguồn thu bổ sung cho doanh nghiệp.
Vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường, đặc biệt là các trường đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp đã được phổ biến hầu hết ở các quốc gia. Mô hình liên kết phổ biến nhất là Mô hình “đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp”: Các nước tiên tiến trên thế giới như Đức, Hà Lan, Đan Mạch… đã thực hiện chương trình đào tạo “Hệ thống kép/Dual System”, chú trọng sự kết hợp chặt chẽ giữa trường dạy nghề với doanh nghiệp.
![]() |
Hiện nay, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao về số lượng và chất lượng là việc làm cấp bách tại TP. Hồ Chí Minh. |
Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay ngày càng có một số trường coi trọng vấn đề liên kết đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng liên kết với doanh nghiệp ở các trường tại thành phố còn nhiều hạn chế.
Thực sự nhiều trường chưa có hình thức liên kết đào tạo với doanh nghiệp một cách bền vững (không liên tục, không có cam kết lâu dài). Phần lớn các trường tập trung vào liên kết dạng “gửi sinh viên thực tập ở một số công ty quen biết“. Một số trường tham gia dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế (Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức; Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh...)
Chỉ có 2 trường lựa chọn phỏng vấn có mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp với nhiều hình thức, thể hiện tính bền vững: Đa dạng các hình thức liên kết; liên kết liên tục, sinh viên ra trường được các doanh nghiệp đón nhận gồm trường Cao đẳng công nghệ Lý Tự Trọng và Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương).
Khó khăn hiện nay là việc xây dựng và thực hiện cơ chế hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp không thể thiếu đi vai trò hoạch định chính sách. Cho nên rất cần các thông tư, chính sách theo hướng mở để nhà trường và doanh nghiệp có thể hợp tác sâu, rộng và bền vững, các vấn đề về chính sách được nhà trường quan tâm có ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác.
Ngoài ra, một hạn chế nữa đó là thiếu liên kết đào tạo hiện nay là do thiếu thông tin giữa cung và cầu đào tạo nhân lực. Hiện nay, các thông tin về thị trường lao động tại TP. Hồ Chí Minh được cập nhật qua Bản tin thị trường lao động; chương trình tuyển dụng việc làm ở các đơn vị dịch vụ. Tuy nhiên, lượng thông tin còn ít, chưa đa dạng.
Đặc biệt, lượng thông tin còn thiếu tính kết nối. Thông tin thị trường lao động đưa ra được những dự báo về xu hướng việc làm ở một số lĩnh vực mà thiếu công bố thực trạng, số liệu, phân tích số liệu với sự gắn kết giữa các đối tượng hay tạo tính kết nối giữa các đơn vị đào tạo với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo với thị trường lao động.
Hiến kế nâng cao chất lượng lao động trong khu công nghiệp
Từ thực trạng nêu trên, GS.TS. Nguyễn Thị Cành cho rằng, để nâng cao chất lượng lao động cho các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh, có thể đưa ra hai mô hình liên kết.
Trong đó, mô hình 1 là liên kết trực tiếp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp (như đã và đang thực hiện thành công ở một số trường. Còn mô hình 2 là liên kết gián tiếp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp qua trung tâm quản lý đào tạo trung gian như mô hình SHTP Training ở khu công nghệ cao.
Mô hình 1 có thể áp dụng cho các cơ sở đào tạo có đủ năng lực đào tạo kể cả nghiên cứu trong các ngành nghề kỹ thuật, các ngành phục vụ nghiên cứu phát triển và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có năng lực tài chính và tiềm năng phát triển.
Đối với trình độ lao động từ kỹ sư trở lên có thể do các trường thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện kết hợp với liên kết nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp. Trong đó, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh gồm Trường Đại học Bách Khoa đào tạo các ngành cơ khí, điện tử, tự động hóa, kỹ thuật hóa, cơ học, vật liệu xây dựng, điều khiển...; Trường Đại học Tự nhiên đào tạo các ngành khoa học vật lý, sinh học, hóa học, toán ứng dụng, khoa học trí tuệ nhân tạo...; Trường Đại học Quốc tế đào tạo các ngành kỹ thuật y, y sinh, công nghệ sinh học..., Trường Đại học Công nghệ thông tin đào tạo các ngành khoa học máy tính, lập trình, thiết kế quản trị mạng, kỹ thuật công nghệ thông tin... Các ngành đào tạo này phù hợp cho đa số các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và một số doanh nghiệp trong các khu chế xuất, công nghiệp…
![]() |
GS.TS. Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). |
GS.TS. Nguyễn Thị Cành cũng nhận định, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô lao động nhỏ có thể áp dụng mô hình 2 là liên kết gián tiếp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp qua trung tâm quản lý đào tạo trung gian như mô hình SHTP Training ở khu công nghệ cao.
Với mô hình này đòi hỏi Ban quản lý Khu chế xuất, công nghiệp phải thành lập trung tâm đào tạo và hỗ trợ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp giống như Ban quản lý Khu công nghệ cao đã có trung tâm SHTP Training. Chức năng của các trung tâm đào tạo là nắm nhu cầu đào tạo nhân lực từ các doanh nghiệp, tổ chức lớp theo nhu cầu từng loại ngành nghề, ký hợp đồng với các trường có thể tham gia đào tạo các ngành nghề theo các khóa học trung tâm tổ chức.
Một khóa học có thể thu hút học viên và người lao động ở nhiều doanh nghiệp có cùng ngành nghề tương ứng. Trung tâm cũng có thể đầu tư nhà xưởng, phòng thí nghiệm để liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo đảm nhận phần đào tạo thực hành tại trung tâm và giới thiệu việc làm cho sinh viên đến với các doanh nghiệp có nhu cầu. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp xếp hạng, nâng bậc trình độ, năng lực người lao động theo tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Ngoài ra, mô hình 2 liên kết gián tiếp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp qua trung tâm quản lý đào tạo trung gian sẽ có cơ hội liên kết được nhiều trường với các ngành nghề đa dạng với các cấp bậc trình độ khác nhau.
GS.TS. Nguyễn Thị Cành khẳng định, sự liên kết các trường thành viên đào tạo kỹ thuật trong Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các trường đào tạo các ngành kỹ thuật trên địa bàn thành phố nói chung với các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, khu chế xuất, công nghiệp là cần thiết để khắc phục thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng 4.0 và phát triển kinh tế số.
Với bối cảnh hiện nay, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao về số lượng và chất lượng là cấp bách. Việc này nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh phục vụ chuyển đổi nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh và phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. |