Ngày 23/2, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
![]() |
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh |
Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là một cột mốc quan trọng trên hành trình xây dựng và phát triển, không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của một hệ thống đại học hàng đầu đất nước mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển đầy tự hào, từ đó tiếp tục phấn đấu vì tương lai tươi sáng của nền giáo dục Việt Nam.
Dẫn dắt sự phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến dự lễ kỷ niệm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - một biểu trưng của sự nỗ lực, đổi mới và phát triển không ngừng của nền giáo dục đại học Việt Nam với nhiều thành tích xuất sắc vượt bậc.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần phát huy 3 “tiên phong xuất sắc” để vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á |
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng gửi tới các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu khách quý lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nhấn mạnh xác định rõ giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngay từ đầu những năm 1990, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tập trung đổi mới công tác giáo dục đào tạo, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia" để làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối năm 1993 (Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 1995 (Nghị định số 16/CP ngày 27/01/1995). Đây là quyết sách được xem là giải pháp đột phá để tích hợp các nguồn lực đang phân tán ở nhiều trường đại học đơn ngành thành đại học lớn với sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, chú trọng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp. Đồng thời được đầu tư trọng điểm và trao cơ chế tự chủ để thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học toàn diện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, với tầm nhìn chiến lược từng bước vươn mình ra khu vực, quốc tế.
“Với sứ mệnh lớn lao đó, đòi hỏi 2 Đại học Quốc gia nói chung và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói riêng phải hoạch định chiến lược phát triển dựa trên tư duy đột phá, kiến tạo các giá trị mới… để vừa khẳng định những giá trị riêng có, vừa định hướng, dẫn dắt sự phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm lại một số thành tựu nổi bật, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng bày tỏ, trong 30 năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển lớn mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của đất nước và khẳng định thương hiệu trên thế giới.
Trong đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp, hoạt động theo cơ chế tự chủ; là minh chứng thuyết phục, khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đại học...
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại lễ kỷ niệm. |
Với nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng một lần nữa ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào mà các thế hệ thầy và trò Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong 30 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Ngày 27/1/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định số 16/CP thành lập Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế, giữ vai trò tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. |
Phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Top đầu châu Á
Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; hướng tới 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đó, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm duy trì mức tăng trưởng cao hai con số, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới. Trong đó, xác định rõ những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và ưu tiên dành nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược, vừa có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về tăng năng suất lao động, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đặc biệt, đây cũng là một yếu tố cấu thành quan trọng tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Gần đây nhất, Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia… ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, cũng xác định rõ quan điểm: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nhấn mạnh, để thực hiện thành công những mục tiêu trên, hệ thống giáo dục đại học nói chung và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học; cũng như thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo sự chuyển biến về chất cho nền kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản nhất trí với tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa trí tuệ, văn hóa Việt Nam với 3 giá trị cốt lõi: Xuất sắc, tiên phong, chính trực trong đào tạo, nghiên cứu; trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động; gắn kết, phục vụ cộng đồng.
Để đạt được tầm nhìn nêu trên và mục tiêu "phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á" theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, các Quy hoạch vùng Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng lưu ý cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hoá kết quả nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu với doanh nghiệp; ưu tiên phân bổ chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học…
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các thầy cô Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập |
Đối với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị nỗ lực phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu: Đến năm 2030 thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Đồng thời, cần tập trung xây dựng và vận hành mô hình quản trị đại học trên nền tảng số, đảm bảo tự chủ đại học, phát huy sức mạnh hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển thành một hệ sinh thái giáo dục - khoa học - công nghệ - quản lý hàng đầu Việt Nam. Phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tiên phong triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Trung ương, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, các nghị quyết khác có liên quan trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng xuất sắc, học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, quan tâm hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản. Đến năm 2030, đào tạo 1.800 cử nhân, 500 thạc sĩ, tiến sĩ ngành thiết kế vi mạch; đào tạo chuyển đổi, cấp chứng chỉ cho khoảng 15.000 cử nhân nhóm ngành công nghệ vi mạch bán dẫn; đào tạo 20.000 cử nhân, 2.300 thạc sĩ, tiến sĩ nhóm ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; đào tạo 1.600 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ nhóm ngành công nghệ sinh học.
Ngoài ra, cần chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành. Tập trung xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
“Phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á. Đến năm 2030, ươm tạo ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công với quy mô trên 10 triệu USD; phát triển nguồn lực tài chính bền vững và xây dựng Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xanh, hiện đại và bản sắc”, Thủ tướng yêu cầu.
Trên cơ sở các giá trị cốt lõi, Thủ tướng đề nghị, thực hiện 3 "tiên phong xuất sắc": Tiên phong xuất sắc trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết các vấn đề thực tiễn; tiên phong xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành mới nổi trong kỷ nguyên thông minh; tiên phong xuất sắc trong giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. |