Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD Xuất khẩu sầu riêng kỳ vọng thu về 3,2 tỉ USD trong năm nay Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt hơn 3,1 tỷ USD |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến giữa tháng 2/2025, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 3.500 tấn, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm này không chỉ ảnh hưởng đến ngành sầu riêng mà còn tác động đến toàn bộ ngành hàng rau quả xuất khẩu, do sầu riêng là mặt hàng chủ lực. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với dư lượng chất vàng O - một loại phẩm nhuộm công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
![]() |
Từ đầu năm đến giữa tháng 2/2025, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh. Ảnh: H.My |
Quy định này được đưa ra sau khi Trung Quốc phát hiện chất vàng O trong một số lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vào cuối năm 2024. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng trăm container sầu riêng Việt Nam tại cửa khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nông dân.
Một trong những nguyên nhân khiến sầu riêng Việt Nam ‘nghẽn đường’ sang Trung Quốc là do số lượng phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện kiểm tra chất vàng O tại Việt Nam còn quá ít so với khối lượng sầu riêng xuất khẩu. Tính đến ngày 26/1, cả nước mới có 9 phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận, phân bố tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Cà Mau.
Không chỉ gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng phải đối mặt với việc tăng tần suất kiểm tra lên 10-20%. Trong khi đó, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đã gia hạn lệnh tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 30/4.
Trước đó, từ ngày 12/8/2024, Đài Loan (Trung Quốc) đã yêu cầu kiểm tra từng lô sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam do trong vòng 6 tháng gần nhất phát hiện 4 lô hàng không đạt tiêu chuẩn.
Những biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ các thị trường xuất khẩu lớn đang tạo ra áp lực lớn đối với ngành hàng sầu riêng của Việt Nam.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật đàm phán với phía Trung Quốc để công nhận thêm các phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện kiểm tra chất vàng O tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng đang đàm phán với Trung Quốc để đưa xuất khẩu sầu riêng quay trở lại theo quy định trong nghị định thư đã được hai nước ký kết, nhằm loại bỏ các biện pháp bổ sung gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang chờ phê duyệt thêm 6 hồ sơ để mở rộng khả năng xét nghiệm, góp phần giảm bớt áp lực trong quá trình xuất khẩu sầu riêng.
Những khó khăn trong xuất khẩu sầu riêng không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành sầu riêng Việt Nam nhìn nhận lại quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp ngành sầu riêng Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này và phát triển bền vững trong tương lai.