Ngành chủ lực, giúp công nghiệp văn hoá tăng trưởng
Năm 2024, ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đã có sự bùng nổ hết sức ấn tượng. Đặc biệt, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ghi nhận, các hoạt động biểu diễn đang từng bước được đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân, ngày càng có nhiều chương trình được sản xuất dựa trên việc khai thác các giá trị văn hoá truyền thống.
![]() |
Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" tạo hiệu ứng tích cực đối với ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Ảnh Nhà sản xuất chương trình |
Đặc biệt, các chương trình như “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng”; “Anh trai vượt ngàn chông gai”; “Anh trai say hi”… được đánh giá là các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc thay đổi xu hướng giải trí của khán giả Việt. Hiệu ứng của chương trình bùng nổ khiến nhiều người choáng ngợp, tạo ra trào lưu yêu thích và ủng hộ các “thần tượng nội địa”.
Ngoài ra, nhiều concert với quy mô lớn do người Việt đầu tư, sản xuất và dàn dựng được tổ chức, thu hút hàng nghìn khán giả, mang lại doanh thu trăm tỷ đồng; đánh dấu bước đột phá của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng.
Đánh giá về sự "bùng nổ" của ngành công nghiệp biểu diễn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ là đã mang đến cơ hội lớn để chuyển đổi các giá trị văn hóa truyền thống thành sản phẩm kinh tế, từ đó tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho đất nước.
Với những bước phát triển đột phá, chuyển biến đầy ấn tượng trong năm 2024, ngay đầu năm 2025, tại cuộc họp về phát triển công nghiệp văn hoá, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ngành nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục là một trong những ngành chủ lực, giúp công nghiệp văn hoá tăng trưởng; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 8% GDP của cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, để ngành công nghiệp biểu diễn góp phần thực hiện mục tiêu như lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu còn rất nhiều khó khăn, trong đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là việc thiếu chiến lược dài hạn và sự đầu tư đồng bộ. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hoá, trong đó có nghệ thuật biểu diễn phát triển, nhưng quá trình triển khai vẫn còn manh mún, chưa thực sự tập trung vào việc xây dựng các ngành mũi nhọn hay phát triển chuỗi giá trị văn hóa.
Bên cạnh đó, dù có nhiều không gian văn hóa, trung tâm nghệ thuật, nhưng phần lớn vẫn còn thiếu tiện nghi hoặc chưa đạt chuẩn quốc tế. Để tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế đang là một thách thức đối với nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. “Black Pink chỉ tổ chức được duy nhất ở Hà Nội là một ví dụ như vậy. Điều này làm hạn chế khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn và thu hút sự quan tâm từ khán giả trong và ngoài nước”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ rõ.
Khơi thông điểm nghẽn thể chế
Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn không chỉ góp phần tăng trưởng GDP mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới. Do vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần một hệ sinh thái văn hóa hoàn chỉnh, nơi các nghệ sĩ, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các tổ chức văn hóa có thể hợp tác chặt chẽ và tạo ra giá trị bền vững.
Đồng thời, cần xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà nước. Điều này bao gồm việc cải thiện khung pháp lý, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng văn hóa, và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo. Mặt khác, cần có các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp phát triển đội ngũ chuyên gia, nghệ sĩ, và nhà quản lý văn hóa có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Hồ An Phong, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hoá, phải chú trọng đến những từ khóa tư duy, cách làm, sản phẩm văn hóa và xuất khẩu văn hóa. Các đơn vị cần hỗ trợ nhau, họp bàn để đưa ra các giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xuất khẩu văn hóa, bảo vệ bản quyền; coi các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, đem lại các lợi ích về phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội.
Nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật biểu diễn đối với công nghiệp văn hoá, cũng như đóng góp vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành đối với nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – ông Nguyễn Văn Hùng cũng đã nhấn mạnh, để ngành nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục là một trong những ngành chủ lực, giúp công nghiệp văn hoá phải sớm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hoá.
“Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn chưa có luật điều chỉnh mà chỉ có nghị định. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045 cũng đang trong giai đoạn xây dựng, lấy ý kiến và hoàn thiện. Việc hoàn thiện thể chế sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển bền vững”- ông Hùng cho hay.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ưu tiên đề ra đó là nâng cao chất lượng, số lượng và quy mô các chương trình biểu diễn âm nhạc đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước tạo dựng thương hiệu trong khu vực và trên thế giới. Hình thành cộng đồng công chúng yêu nhạc văn minh; nghệ sĩ có trách nhiệm với nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với các sản phẩm sáng tạo để tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam. |