Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh 9 tháng đầu năm Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU tăng 16% Xuất khẩu tôm năm 2024 giữ đà tăng trưởng |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam xuất khẩu tôm sang 107 thị trường, tăng 5 thị trường so với năm 2023.
Trong đó, Top 5 thị trường chính, gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc, chiếm 76% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
Năm 2024, xuất khẩu tôm tranh thủ sự hồi phục nhu cầu và giá nhập khẩu tại thị trường Mỹ, Trung Quốc nên xuất khẩu tôm sang 2 cường quốc này đã bứt phá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn giữ được chỗ đứng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU nhờ vào uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như lợi thế của hàng chế biến giá trị gia tăng từ tôm.
![]() |
Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Các Hiệp định thương mại tự do cũng mang lại lợi thế cạnh tranh để sản phẩm tôm tăng tốc sang nhiều thị trường như Anh, Canada, Australia, Singapore.
Nhờ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Sau khi giảm trong quý 2/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh trở lại trong quý 3 và quý 4. Quý 4/2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 69% đạt 258 triệu USD. Năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023.
Năm 2024, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), tôm loại khác chiếm tỷ trọng cao nhất 51,7% do Trung Quốc tăng khá mạnh nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam trong năm 2024. Tiếp đó tôm chân trắng chiếm 36,1% và tôm sú chiếm 12,2% tỷ trọng.
Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 756 triệu USD, tăng 11% so với năm 2023. Trong 4 quý của năm 2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong quý 2, tăng trưởng dương trong 3 quý còn lại.
Năm 2024, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (84,3%), tiếp đó là tôm sú (9,3%), còn lại là tôm loại khác.
Top 3 công ty xuất khẩu tôm lớn nhất sang Mỹ lần lượt là Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, Công ty Sao Ta và Công ty Thủy sản Sạch.
Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 517 triệu USD, tăng 1% so với năm 2023. Sau khi sụt giảm trong 2 quý đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã có sự phục hồi trong quý 3 và quý 4 mặc dù mức tăng trưởng chưa cao.
Từ giữa quý 3/2024, đồng Yên Nhật phục hồi mạnh dẫn tới sức mua cải thiện. Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Nhật Bản là Ấn Độ vướng tai tiếng về sử dụng lao động vị thành niên nên tôm Việt Nam được các nhà nhập khẩu Nhật Bản tìm đến nhiều hơn.
Với thị trường EU, năm 2024, xuất khẩu tôm sang EU đạt 484 triệu USD, tăng 15% so với 2023. Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối. Năm 2024, xuất khẩu sang 3 thị trường này đều tăng trưởng 2 con số trong đó Hà Lan ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 22% trong năm 2024.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Hàn Quốc, chiếm thị phần áp đảo 46%. Trung Quốc đứng thứ hai với thị phần chiếm 10%. Hàn Quốc tăng nhập khẩu tôm từ Peru, Trung Quốc, Canada trong năm 2024. Năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 334 triệu USD, giảm 3% so với năm 2023.