Cẩn trọng với rủi ro mua sắm Tết trên ‘chợ mạng’

17:00 | 23/01/2025 In bài biết
Tuy tiện lợi và đa dạng khi mua sắm Tết trên 'chợ mạng' nhưng cũng không ít rủi ro như hàng kém chất lượng, nguồn gốc nên người mua cần thận trọng và sáng suốt.
Quẹt thẻ mua sắm tết được hoàn tiền từ MSB Cỗ Tết Hà Nội một thời xa Ngày Tết tản mạn chuyện cà phê

Tết đến, nỗi lo mua sắm online của người tiêu dùng

Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, cùng với đó là nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng. Và một trong những kênh mua sắm được ưa chuộng nhất hiện nay chính là các 'chợ mạng'. Chỉ với vài cú chạm trên màn hình điện thoại, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm và đặt mua mọi sản phẩm mình muốn, từ quần áo, đồ gia dụng đến thực phẩm.

Chị Mai Anh (Nguyên Hồng - Hà Nội) chia sẻ rằng việc mua sắm online dịp Tết đôi khi khiến chị gặp phải những tình huống không mong muốn, đặc biệt là khi mua mỹ phẩm và thực phẩm. "Mình đã đặt một mua thỏi son từ một shop online, đến khi dùng thì thấy khác thỏi mua ở cửa hàng chính hãng, kiểm tra kỹ mới biết đó là hàng nhái", chị Mai Anh chia sẻ.

Mùa lễ hội cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, kéo theo đó là sự gia tăng của các hoạt động mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại, người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và rủi ro.

Chị Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội), một khách hàng thường xuyên mua sắm trực tuyến, chia sẻ: “Dịp cận Tết, việc đổi trả hàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các shop thường viện lý do quá tải hoặc không phản hồi tin nhắn. Ngay cả khi được hoàn trả thì cũng rất khó để có thể kịp nhận hàng trước Tết. Mua đồ trang trí hỏng còn đỡ, chứ mỹ phẩm hay thực phẩm kém chất lượng mà không phát hiện sớm thì hậu quả khó lường”.

Người tiêu dùng sắm Tết online sớm
Người tiêu dùng sắm Tết online sớm. Ảnh: Tuệ Anh

Với lượng đơn hàng tăng vọt đột biến, nhiều khách hàng đang có nguy cơ không thể nhận được hàng kịp Tết. Chị Xuân Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Mình đã đặt hàng từ ngày 20/1 nhưng vẫn không biết có kịp nhận hàng trước Tết không. Mình đã ra tận cửa hàng để tìm mua mẫu yêu thích, nhưng đều hết size. Bí quá nên mình mới phải đặt qua mạng".

Tiêu dùng tăng cao, cơ quan chức năng siết chặt quản lý

Theo một báo cáo mới nhất của Grab về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể trong thói quen mua sắm.

Cụ thể, 55% người được khảo sát cho biết họ đã bắt đầu chuẩn bị cho Tết từ rất sớm, khoảng 1 tháng trước đó. Điều này cho thấy sự lên ngôi của việc lên kế hoạch chi tiêu một cách cẩn thận và chu đáo. Bên cạnh đó, 49% người tiêu dùng kết hợp cả hai hình thức mua sắm trực tuyến và trực tiếp, thể hiện sự linh hoạt và tiện lợi mà công nghệ số mang lại.

Về mức chi tiêu, người dân dự kiến sẽ dành trung bình 7,4 triệu đồng cho Tết Nguyên đán năm nay. Các mặt hàng được ưu tiên hàng đầu bao gồm thực phẩm (25%), quần áo và phụ kiện (24%) và chi phí cho các buổi tiệc tùng, họp mặt (23%). Điều này cho thấy nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu và các hoạt động xã hội vẫn được người dân quan tâm hàng đầu.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, đặc biệt là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 133 nhằm tăng cường công tác quản lý thị trường trong dịp Tết. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: đầu cơ găm hàng, niêm yết giá sai, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, và các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu.

Để tránh gặp phải những rủi ro khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về cửa hàng trực tuyến trước khi quyết định mua hàng
Để tránh gặp phải những rủi ro khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về cửa hàng trực tuyến trước khi quyết định mua hàng. Ảnh minh họa

Các địa phương cũng đã được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả xâm nhập thị trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng và an toàn.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc đổi trả hàng, người tiêu dùng còn đối mặt với đủ loại chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến nhiều người mất tiền oan uổng.

Trong dịp cuối năm, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường trực tuyến. Nhiều sản phẩm được quảng cáo với giá rẻ bất ngờ, chất lượng cao nhưng khi nhận hàng thì lại không đúng như mô tả. Điều này khiến người tiêu dùng thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng đến niềm tin vào mua sắm trực tuyến.

Để tránh gặp phải những rủi ro khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về cửa hàng trực tuyến trước khi quyết định mua hàng, nên đọc các đánh giá của khách hàng đã từng mua trước đó. Đọc kỹ mô tả sản phẩm, xem hình ảnh thật, hỏi đáp với người bán để đảm bảo sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Luôn giữ lại hóa đơn mua hàng để làm bằng chứng khi cần đổi trả. Đọc kỹ chính sách đổi trả của gia hàng trước khi mua hàng.
Nguyễn Vy

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/ca-n-trong-voi-ru-i-ro-mua-sam-tet-tren-cho-mang-370967.html