Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Buộc chuyển giao 2 ngân hàng

14:54 | 19/01/2025 In bài biết
Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón lượng khách cao kỷ lục,… là những tin đáng chú ý tuần qua.
Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Thanh, kiểm tra thị trường vàng, đề xuất chính sách quản lý thuốc lá điện tử Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng

Ngày 17/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TNHH Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank).

DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Cùng năm này, GPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, do nhà nước sở hữu 100% vốn. Chục năm qua, hai nhà băng này được các ngân hàng quốc doanh hỗ trợ quản trị và tự tái cơ cấu, trước khi được chính thức chuyển giao bắt buộc về HDBank và VPBank.

Theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, chuyển giao bắt buộc là một trong các phương án để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Việc chuyển giao nhằm mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa GPBank và DongABank dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng

Chiều 16/1, tại thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự, phát biểu chỉ đạo tại sự kiện công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế tháng 1/2025.

Quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng, mở ra không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới. Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố cảng biển thông minh, hiện đại, và phát triển bền vững, xứng tầm khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng không chỉ là một khu kinh tế, mà còn là một biểu tượng cho khát vọng vươn lên của thành phố Hải Phòng, là không gian của tương lai. Đây cũng là nơi sẽ hội tụ những tinh hoa của khoa học công nghệ, của đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự ủng hộ của Trung ương, các địa phương và đặc biệt là sự tham gia chung tay của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sớm đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần đưa Hải Phòng lên một tầm cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón lượng khách cao kỷ lục dịp Tết

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, giai đoạn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ước tính sẽ phục vụ lượng khách tăng cao kỷ lục.

Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Buộc chuyển giao 2 ngân hàng
Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo đó, từ ngày 23 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp, số lượng chuyến bay khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dao động từ 820 đến 900 chuyến bay/ngày, với ngày cao nhất là 901 chuyến (24 tháng Chạp) và ngày thấp nhất là 823 chuyến (29 tháng Chạp); lượng khách thông qua cảng trong các ngày cao điểm nhất đạt xấp xỉ 150.000 khách (tăng 12,7% so với ngày cao điểm trước Tết năm 2024).

Với các ngày sau Tết Nguyên đán (từ mồng 1 đến mồng 6 tháng Giêng), số lượng chuyến bay khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất dao động từ 830 đến 900 chuyến bay/ngày, với ngày cao nhất là 917 chuyến (mồng 5 tháng Giêng) và ngày thấp nhất là 832 chuyến (mồng 1 tháng Giêng); sản lượng khách thông qua cảng trong ngày cao điểm nhất (mồng 5 tháng Giêng) đạt hơn 155.000 khách (tăng 4% so với ngày cao điểm sau Tết Nguyên đán năm 2024).

2 thành phố lớn có lợi thế phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Chiều 16/1, tại Hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã nêu những lợi thế nổi trội, các định hướng, đề xuất để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế nổi trội như quy mô kinh tế, dân số lớn nhất cả nước, có tiềm lực tài chính, được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao tiềm năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

TP. Đà Nẵng cũng được các nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã nêu đề xuất phát triển mô hình trung tâm tài chính quốc tế tập trung theo 3 nhóm dịch vụ.

Văn Hoàng

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tieu-diem-kinh-te-tuan-qua-buoc-chuyen-giao-2-ngan-hang-370310.html