Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt cho biết tốc độ tiêu thụ vé năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ các năm trước. Theo thống kê, chỉ sau 2 tuần bắt đầu mở bán vé Tết Ất Tỵ (tức 25/10/2024), tổng số vé đã thanh toán là hơn 62.000 vé. Tính đến nay, tổng số vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã bán hơn 300.000 vé.
Còn theo thống kê từ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn, tính đến ngày 3/12/2024, đã có 137.000 vé tàu tết được bán ra, trong đó chiếm 58% là vé khách hàng mua online. So với dịp Tết Nguyên đán 2024, tốc độ bán vé sau 63 ngày mở bán chính thức của ngành đường sắt bằng 123% về sản lượng và bằng 124% về doanh thu.
Theo đánh giá, năm nay, giá vé tàu Tết tăng từ 4% đến 5% so với cùng kỳ năm 2024. Đối với hành khách đi các ngày cao điểm từ 21 – 27/1/2025, giá vé giường nằm mềm trên tàu SE2 khoảng 3,2 triệu đồng, cao hơn mức 3,1 triều đồng của năm trước. Vé VIP trên khoang 2 giường có giá lên tới 6,4 triệu đồng.
![]() |
Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn thông báo không bán ghế phụ vào dịp Tết. Ảnh minh hoạ |
Số vé tàu còn trước Tết (chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội) là khoảng 6.000 vé tàu. Khảo sát cho thấy, từ ngày 15 - 19/1/2025 (tức ngày 16 đến 20 tháng Chạp) còn khoảng 3.000 vé tàu từ ga Sài Gòn đi tất cả các ga, phần nhiều là vé ghế ngồi (trong đó vé Sài Gòn đến Vinh còn khoảng 1.000 vé). Còn từ ngày 20 - 26/1/2025 (tức 21 đến 27 tháng Chạp) chủ yếu còn vé chặng ngắn đi Phan Thiết, Nha Trang; các vé tàu đi chặng xa hơn đã hết. Sau Tết (chiều từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 31/1 đến 3/2/2025 còn ít vé, các ngày khác còn nhiều vé đi tất cả các ngày, các ga.
Với sức mua tăng cũng như phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Công ty cổ phần Đường sắt mở chạy thêm 3 tuyến từ ga Sài Gòn đi Hà Nội (2 tàu SE12, TN5 ngày 14,16/1), đi Vinh (SE14, SE16 ngày 18,19/1), đi Quãng Ngãi (tàu SE26 ngày 18/1). Ghi nhận trên cổng đặt vé trực tuyến của Công ty cổ phần Đường sắt, tính đến ngày 15/1, số lượng vé Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội ngày 20/1 đã đạt 100% tỷ lệ lấp đầy ở tất cả tàu, riêng tàu TN4, TN6 còn một ghế duy nhất. Bắt đầu từ ngày 21 - 27/1, hành khách không thể mua vé bởi các khoang đã bán hết.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận, hiện nhiều tuyến có tỷ lệ lấp đầy lên tới 90%. Cụ thể như tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, chỉ còn ghế trống vào ngày 26, 27/1. Tương tự, ngày cao điểm tại tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết cũng rơi vào 2 ngày bắt đầu nghỉ lễ (25 - 26/1), tỷ lệ lấp đầy hơn 90%.
Thậm chí, tuyến Vinh (Nghệ An) đã "sốt" vé ngay từ ngày 16/1 và cạn ghế ngồi đến ngày 27/1, thậm chí tàu SE8 cũng đã gần kín chỗ đêm giao thừa ngày 28/1 (tức 29 Tết Âm lịch). Vé tàu TP.HCM - Quảng Ngãi cũng gần chạm ngưỡng lấp đầy vào các ngày 18 - 27/1.
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nếu nhu cầu hành khách tăng cao, ngành đường sắt vẫn sẽ nối toa, bổ sung tàu vào những ngày cao điểm. So với tết năm ngoái, tổng số đoàn tàu phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 giảm hơn 20 chuyến, tương đương giảm hơn 30.000 chỗ do không bán ghế phụ, đồng thời cải tạo 11 toa ghế thành toa giường nằm, giảm số chuyến và số lượng chỗ so với năm trước.
Trước nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán, ngành đường sắt chủ yếu còn các chặng ngắn và số lượng còn rất ít, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt cho rằng, hành khách nên chủ động lịch trình để đặt vé về quê cũng như du xuân.
Đáng chú ý, năm nay ngành đường sắt ngừng tính năng "mua vé giữ chỗ trả tiền sau" nhằm tránh tình trạng hành khách giữ chỗ mà chậm thanh toán. Do đó, nhìn chung tình hình vé tàu sẽ không có những biến động bất thường như hành khách "hủy kèo", nhả vé.
Trong những ngày giáp Tết, lưu lượng người dân di chuyển trên đường rất đông theo đó, những ngày qua, đã có một số trường hợp bị trễ tàu do đến ga muộn. Để đảm bảo quyền lợi của hành khách khi đi tàu, tránh những trường hợp trễ tàu đáng tiếc, ngành đường sắt khuyến cáo hành khách khi đi tàu sắp xếp thời gian có mặt ở ga trước giờ tàu chạy từ 30 - 60 phút, khi nhà ga thông báo mở cửa thì hành khách vào ga và lên đúng chuyến tàu, số toa, số chỗ của mình để tránh nhỡ tàu. |