Xuất khẩu hoa tươi Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng ở Nhật Bản Những mẹo đơn giản giúp hoa tươi lâu |
Rau quả, hoa tươi dẫn đầu tăng trưởng
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt con số kỷ lục 7,2 tỷ USD. Thành công này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành hàng này và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới. Song song đó, ngành hoa cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng kép trên 11%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
Với thế mạnh là điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất đa dạng các loại rau, hoa quả. Việt Nam cũng sở hữu kho tàng sinh vật cảnh phong phú, với nhiều giống hoa, cây trồng bản địa có chất lượng cao. Hơn nữa, nguồn lao động nông nghiệp đông đảo, chi phí nhân công cạnh tranh cũng là một lợi thế lớn.
![]() |
Tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu hoa, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ chuyển đổi sang sản xuất hoa an toàn. Ảnh: Dalat Hasfarm |
Bên cạnh đó, chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả, người trồng cũng được trang bị kiến thức và kỹ năng sản xuất, các trường, viện nghiên cứu phát triển giống cây trồng cho năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh cao.
Ở lĩnh vực hoa tươi, bà Mai Hồng, Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam chia sẻ: “Trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, biên độ lợi nhuận có thể đạt từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/ha mỗi năm”.
Sản xuất hoa an toàn để nâng tầm thương hiệu
Mặc dù ngành hoa Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thế nhưng những thách thức về chất lượng, an toàn sản xuất vẫn là rào cản lớn đối với ngành hàng này. Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành hoa cần có những thay đổi căn bản.
Như đã biết, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành hoa. Với khí hậu đa dạng, đất đai màu mỡ, cùng sự đa dạng về chủng loại hoa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia cung cấp hoa tươi chất lượng cao cho nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, ngành hoa Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn.
Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất hoa an toàn còn hạn chế. Nhiều người cho rằng, vì hoa không phải là thực phẩm nên việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật là điều không cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất hoa không chỉ gây hại cho sức khỏe của người trồng hoa mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và môi trường.
![]() |
Phân loại hoa trước khi xuất khẩu. Ảnh: Sơn Nam |
Bà Mai Hồng chia sẻ: “Hoa không phải là thực phẩm nhưng là sản phẩm tiếp xúc gần với con người, việc sản xuất thiếu an toàn, lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thì nông dân trồng hoa chịu ảnh hưởng trước tiên, sau đó là người tiêu dùng. Thách thức đối với người trồng hoa Việt Nam là thiếu kiến thức, nhận thức về mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính cũng là rào cản lớn trong việc đầu tư cho mô hình nông nghiệp an toàn, bền vững”.
TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), được biết đến là “thủ phủ hoa” của Việt Nam, với diện tích trồng hoa khoảng 10.000 ha. Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu hoa của Đà Lạt vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 70-80 triệu USD/năm. Theo ông Hồ Anh Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, mặc dù đã có nhiều diện tích áp dụng công nghệ cao nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để nâng cao giá trị, tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu hoa, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ chuyển đổi sang sản xuất hoa an toàn, bền vững, ứng dụng các biện pháp bảo vệ thực vật phi hóa học như màng lưới, nhà kính…Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống hoa mới, có khả năng kháng bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất hoa hữu cơ, tuần hoàn.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho hoa tươi Việt Nam, đầu tư vào quảng bá, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm hoa nội địa tới các thị trường ngoài nước.
Ngành hoa Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Để vươn xa trên thị trường quốc tế, ngành hoa cần có sự thay đổi căn bản về tư duy sản xuất, ưu tiên chất lượng thay vì số lượng. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ giữa doanh nghiệp và người nông dân để xây dựng một ngành hoa Việt Nam bền vững và phát triển.
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á, sản xuất được 200 triệu cây giống/năm theo công nghệ nuôi cấy mô invitro, nâng tỷ lệ hoa xuất khẩu từ 9,7% như hiện nay lên 30%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 217 triệu USD/năm. Mục tiêu đến năm 2030, ngành hoa Lâm Đồng phấn đấu trên 70% sản lượng tiêu thụ thông qua Trung tâm Giao dịch hoa tại TP. Đà Lạt và xây dựng thêm 1 - 2 trung tâm logistics đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại kết hợp quy hoạch giao thông vận tải. Qua đó, tổng số diện tích hoa gieo trồng theo hướng bền vững nâng lên 11.500 ha. |